Phát huy thành tựu 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo - Bài 2: Lúng túng “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”

Một trong những thay đổi mang tính bước ngoặt của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là một khối lớp triển khai nhiều bộ sách giáo khoa (SGK). Đến nay, SGK mới đã đưa vào sử dụng ở 9/12 khối lớp nhưng dư luận vẫn hoài nghi về chất lượng nội dung và chủ trương xã hội hóa việc biên soạn, phát hành.

Phát huy thành tựu 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo - Bài 2: Lúng túng “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”

Chưa yên tâm về chất lượng

Cô Võ Thị Minh Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cho biết, việc triển khai nhiều bộ SGK trong cùng khối lớp giúp giáo viên mở rộng tư liệu giảng dạy. Nhờ đó, các thầy cô phát huy tính chủ động, sáng tạo, không còn “cầm sách dạy học” như trước đây.

Tuy nhiên, theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), ngữ liệu các bộ sách hiện nay chưa hoàn chỉnh, buộc giáo viên phải vừa làm vừa điều chỉnh. Đơn cử, SGK môn Tiếng Việt lớp 4 có bài học về kỹ năng viết, yêu cầu học sinh nêu lý do thích chuyện kể về gia đình, song các phần nội dung trước đó không có câu chuyện về gia đình, buộc giáo viên phải thiết kế thêm hoạt động học.

i5b-7229.jpg
Học sinh mua sách giáo khoa đầu năm học 2023-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ở cấp THPT, cô Nguyễn Thị Hương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), nhận định, SGK môn Ngữ văn lớp 10, 11, 12 thiết kế theo trục thể loại văn học, khác hoàn toàn SGK trong chương trình cũ, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện học sinh. Về ý tưởng, cách triển khai này khá mới mẻ, tiến bộ, khắc phục được nhiều hạn chế của chương trình trước đây về tính hệ thống, trùng lắp đơn vị kiến thức giữa các khối lớp. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế ở các trường học, do trình độ học sinh không đồng đều, một số bài học còn nặng tính hàn lâm khiến giáo viên gặp khó khăn khi giảng dạy. Đặc biệt, những tranh luận vừa qua về việc có một hay nhiều bộ SGK trong dư luận xã hội và trên diễn đàn Quốc hội cũng khiến đội ngũ tâm tư.

“Việc tranh luận lẽ ra phải ngã ngũ trước khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 chứ không phải sau khi thực hiện vài năm mới bàn tính. Một bộ SGK có chu kỳ sống từ 12-15 năm, trong khi đó làm một bộ sách phải mất vài năm. Vậy đến bao giờ mới có SGK hoàn chỉnh?”, cô Hương đặt câu hỏi.

Một trong những lo ngại khác, theo thầy Lê Văn Tuấn (TP Huế ), mặc dù lượng kiến thức giữa các bộ sách không chênh nhau nhiều nhưng khác nhau về cách sắp xếp đơn vị kiến thức dẫn đến khó khăn trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi của bộ môn. Hiện nay, có địa phương chỉ chọn duy nhất một bộ SGK, có nơi chọn 2 hoặc 3 bộ, có nơi giao về cho các trường quyết định. Tập huấn chuyên môn từ các cấp quản lý về cơ bản là hiệu quả nhưng khi thực hành tại các nhà trường lại không đồng nhất. Đơn cử, có nơi tổ chức “ma trận” đề thi 70% câu hỏi trắc nghiệm, 30% tự luận; nơi khác thiết kế tỷ lệ 80% trắc nghiệm, 20% tự luận; thậm chí có nơi 100% câu hỏi tự luận. Thực tế này dẫn đến cách ra đề thi giữa các địa phương không thống nhất, gián tiếp tạo thêm áp lực cho đội ngũ thực hiện.

Băn khoăn cơ chế quản lý giá

Vào mỗi đầu năm học, câu chuyện giá SGK lại “nóng” trên các diễn đàn, mạng xã hội. Năm học 2020-2021, năm đầu tiên cả nước triển khai thí điểm Chương trình GDPT 2018, phụ huynh “kêu trời” khi các nhà xuất bản công bố giá SGK chương trình mới. Thời điểm đó, giá trung bình một bộ SGK lớp 1 chương trình mới cao gấp 2 lần giá SGK của các năm học trước. Một năm sau đó, giá các bộ SGK lớp 2, lớp 6 tiếp tục gây “choáng” khi cao hơn 2-3 lần giá sách chương trình cũ.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kiểm soát giá, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành để giảm giá SGK theo chương trình mới. Các nhà xuất bản đồng loạt thực hiện việc kê khai, điều chỉnh giá SGK lớp 1, 2 và 6, mức giảm từ 2,4%-9% so với lần kê khai ban đầu, tùy từng khối lớp và đơn vị phát hành. Tuy nhiên, 2 năm liên tiếp sau đó, các bộ SGK lớp 3, 4, 7, 8, 10, 11 đều được phát hành với mức giá cao hơn 2-3 lần sách trong chương trình cũ!

Việc biên soạn SGK đã huy động được đông đảo đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm. Từ năm 2020 đến nay, đã có 381 đầu SGK mới được xuất bản với tổng số lượng xuất bản hơn 194 triệu bản sách. Đây là nỗ lực chung của toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia biên soạn sách.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN

Lý giải thực tế nói trên, đại diện các nhà xuất bản đều cho rằng, ngoài câu chuyện số lượng bản in, giá SGK còn phụ thuộc cơ chế hình thành giá. Trước đây, chi phí biên soạn, in ấn do ngân sách Nhà nước chi trả, nhưng khi triển khai chủ trương xã hội hóa, các nhà xuất bản phải tự cân đối chi trả toàn bộ chi phí này, dẫn đến giá thành bị “đội” lên. Nhằm giảm gánh nặng chi phí cho người học, Bộ GD-ĐT đã đề xuất đưa SGK vào danh mục bình ổn giá, trở thành một trong các mặt hàng được Nhà nước định giá. Mới đây, Luật Giá 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024, quy định SGK các cấp thuộc loại hàng hóa do Nhà nước định giá, tổ chức hoặc cá nhân không được định giá, mua bán SGK các cấp cao hơn mức giá do Bộ GD-ĐT quy định.

Có thể thấy, trong lần đầu tiên thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, từ cơ cấu quản lý đến chính sách giá thành đều tồn tại nhiều bất cập. Sau một thời gian dài ấn phẩm này được phát hành với cơ chế độc quyền và Nhà nước trợ giá, chủ trương xã hội hóa như một hình thức “phá băng”, xóa bỏ hoàn toàn thế độc quyền, tạo tiền đề nâng cao chất lượng SGK. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, cần kiên định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK song song với việc nghiên cứu kỹ lưỡng giải pháp định giá sao cho hài hòa, vừa chống thế độc quyền trong lĩnh vực này nhưng vẫn tôn trọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và quy luật của thị trường.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An:

Không cần mỗi môn học một quyển SGK

Chương trình GDPT 2018 theo xu hướng phát triển nền giáo dục khai phóng, phát huy năng khiếu, sở trường của học sinh, giao quyền tự chủ, sáng tạo cho nhà trường trong triển khai dạy học. Theo kế hoạch, chương trình thực hiện cuốn chiếu trong 5 năm và hiện chỉ còn 1 năm học nữa là kết thúc lộ trình cuốn chiếu. Thời điểm này, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT tập trung vào việc thẩm định, phê duyệt SGK lớp 5, 9 và 12 để đảm bảo chất lượng nội dung các đầu sách, phù hợp với thực tiễn triển khai. Sau khi kết thúc lộ trình cuốn chiếu, bộ cần nghiêm túc đánh giá, rà soát, hoàn chỉnh chương trình và xây dựng lại các bộ SGK.

Theo tôi, một số môn học như Khoa học tự nhiên, Công nghệ, không nhất thiết phải biên soạn SGK, vì đó là những kiến thức chung của nhân loại, bất kỳ quốc gia nào dạy cũng giống nhau, từ định lý, định luật, quy luật khách quan. Riêng đối với các bộ môn khoa học xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu xây dựng các giá trị lý tưởng, đạo đức cách mạng, bản sắc dân tộc… Việc này cần có sự định hướng, giữ vai trò chủ đạo của Bộ GD-ĐT.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Rà soát công tác xã hội hóa SGK

Xã hội hóa trong biên soạn và phát hành SGK tạo ra tính cạnh tranh công bằng, tập trung trí tuệ để có được những bộ SGK tốt nhất. Trên cơ sở các bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, các cơ sở giáo dục tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn khách quan để chọn ra bộ sách tâm đắc, đáp ứng yêu cầu giảng dạy của đơn vị. Điều này cho thấy chủ trương xã hội hóa SGK bước đầu đã thành công. Nếu Bộ GD-ĐT tập trung trí tuệ, nhân lực, vật lực để làm thêm một bộ SGK nữa là không cần thiết, gây lãng phí ngân sách. Thay vào đó, cơ quan chủ quản nên sử dụng kinh phí này vào những việc thiết thực hơn, như: bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; hỗ trợ điều kiện dạy học cho các khu vực vùng sâu, vùng xa...

Mặt khác, dù không biên soạn riêng một bộ SGK nhưng Bộ GD-ĐT cần làm tốt công tác dự báo, chủ động chuẩn bị các phương án, kế hoạch sẵn sàng “ứng phó” những trường hợp phát sinh trong quá trình xã hội hóa SGK thực hiện chương trình mới. Song song đó, cần tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện xã hội hóa SGK để tìm hiểu những bất cập, khó khăn, từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp.

Tin cùng chuyên mục