Sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam gồm những yếu tố cấu thành nào mà chúng ta cần nhận thức đầy đủ để phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay? Tôi cho rằng, có 5 thành tố:
Thứ nhất, đó là sức mạnh đoàn kết cộng đồng. Đoàn kết là một truyền thống lịch sử, là một giá trị văn hóa của Việt Nam trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Đoàn kết có thể coi là phẩm chất tinh thần và là “gương mặt” tâm hồn của con người Việt Nam, là cội nguồn của mọi sự chiến thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tổng kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đây là nguyên lý cơ bản của cách mạng và quy luật của muôn đời. Sức mạnh đoàn kết đó được nhân lên và phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh, là tư tưởng chiến lược và thực hành bền vững trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh.
Thứ hai, đó là lòng yêu nước. Bác tổng kết trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951): “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước”. Đây là động lực tinh thần vô giá, một giá trị văn hóa bền vững, mà chúng ta gọi là “hằng số văn hóa Việt Nam”. Lòng yêu nước đó không chỉ từ giữ gìn Tổ quốc mà còn trở thành sức mạnh của chí tiến thủ, của ý chí và hoài bão lớn.
Thứ ba, sức mạnh dân tộc còn thể hiện ở sức lao động bền bỉ, cần cù, sáng tạo của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Ông cha ta ngày xưa hay nói “Một người lo bằng kho người làm”. Bác Hồ nêu tấm gương tự học, rèn luyện suốt đời để trở thành một người thông thái. Bác cũng khát vọng, dân tộc Việt Nam nhất định trở thành dân tộc thông thái, muốn như vậy phải có tiềm lực thông minh, sáng tạo. Sức mạnh lao động bền bỉ, sáng tạo đó đã làm nên sức sống bền bỉ của dân tộc Việt Nam. Điều này được thể hiện qua 1.000 năm Bắc thuộc, nhưng chúng ta không đánh mất bản sắc, thậm chí chúng ta còn có bản lĩnh “Việt Nam hóa” - chuyển những giá trị tinh túy từ bên ngoài thành sức mạnh nội sinh của Việt Nam.
Thứ tư, sức mạnh dân tộc còn thể hiện ở sự lạc quan. Từ tinh thần lạc quan đến chủ nghĩa lạc quan, mà Bác là người có niềm tin mãnh liệt. Lúc khó khăn, hiểm nghèo nhất, cách mạng đứng trước bờ thử thách sóng gió nhất, vận nước, vận Đảng ngàn cân treo sợi tóc, Người vẫn lạc quan. Lạc quan là do hiểu biết sự vật, đọc được xu thế của lịch sử, biết đường đi của quy luật, cho nên đây là lạc quan có cơ sở khoa học, chứ không chỉ thuần túy tình cảm. Từ năm 1941, khi viết lịch sử đất nước bằng thơ, Bác dự báo năm 1945 Việt Nam sẽ độc lập. Quả nhiên, Cách mạng Tháng Tám giành được chính quyền, Đảng lúc đó 15 tuổi, với chưa đầy 5.000 đảng viên khi dân số 20 triệu người. Lúc 70 tuổi, trong bài diễn văn nổi tiếng về Ngày Quốc tế Lao động (năm 1960), Người dự báo cách mạng giải phóng miền Nam sẽ thắng lợi, Nam - Bắc sum họp một nhà, thì thực tiễn chứng minh đúng như vậy.
Tinh thần lạc quan còn phải nói ở chiều cạnh văn hóa. Bác lạc quan với nhiều khát vọng. Cách mạng Tháng Tám thành công, trong 20 triệu đồng bào, thì có tới 2 triệu người chết đói, 90% dân số mù chữ, ngân khố quốc gia còn 1 triệu bạc Đông Dương rách nát, không tiêu được. Trong hoàn cảnh đó, Người khát vọng dân tộc Việt Nam nhất định phải trở thành một dân tộc thông thái. Do đó, càng khó khăn, càng thử thách gian nan thì lòng tin phải được giữ vững. Lòng tin rất quan trọng, mất niềm tin thì mất cả sự sống, mất định hướng phát triển.
Thứ năm, sức mạnh toàn dân tộc còn là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, trở thành sức mạnh dân tộc Việt Nam hiện đại với đỉnh cao là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được chứng minh bằng các cuộc chiến tranh đầy tính sử thi và bi tráng chống Pháp và chống Mỹ. Người đã nói, mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một rừng hoa đẹp. Nhờ sức mạnh đó mà chúng ta xây dựng thành công, bảo vệ thành công đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Trong đó, vấn đề thời sự hiện nay là tập trung sức mạnh dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia: an ninh kinh tế, an ninh chính trị, an ninh văn hóa, an ninh môi trường, an ninh không gian mạng.
Vậy, để phát huy sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam hiện nay cần làm gì? Theo tôi nghĩ, trong điều kiện hiện nay, muốn hội nhập quốc tế thành công thì không có gì khác tận dụng tối đa những lời dạy, những chỉ dẫn của Bác, biến thành hành động, thành lối sống của từng người, từng tập thể, cả cộng đồng, trong đó Đảng phải tiên phong. Đó là tập trung, thực hiện cho được khát vọng phát triển đất nước vào giữa thế kỷ này. Muốn thực hiện khát vọng phát triển, không chỉ dừng lại ở tư tưởng, mà còn phải hành động. Cho nên phải tìm được cơ chế và chính sách, như Đảng ta xác định “để thúc đẩy mọi người có khát vọng cống hiến” rồi thành hành động cống hiến.
Cùng với đó, phải vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin để bảo vệ cho được nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự trong sạch của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Đã đến lúc đặt vấn đề nghiêm túc: xây dựng Đảng về văn hóa, đưa giá trị văn hóa vào trong Đảng, làm cho văn hóa Đảng thực sự là biểu tượng tốt đẹp, cao quý của dân tộc trên nền tảng văn hóa Việt Nam. Phải thực hiện cho được “dân chủ thực chất” để “đoàn kết thực chất”, trở thành đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó mới dẫn đến “đồng thuận xã hội bền vững”.