Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, đối với doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của thương hiệu chính là kim chỉ nam quyết định sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp, đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới, quyết định hướng đi của doanh nghiệp.
Thế giới nói chung, đất nước nói riêng vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng, tác động nặng nề đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước, của các doanh nghiệp. Sản xuất đình trệ, doanh thu sụt giảm, thậm chí không có doanh thu. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất ấy, nhiều doanh nghiệp đã gồng mình nỗ lực vượt khó, giữ vững thương hiệu, chủ động thích ứng bằng những phương thức sản xuất, kinh doanh linh hoạt… tiếp tục giữ vững chữ tín, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm, giá cả phù hợp, quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách cho người lao động, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, đồng thời có những chương trình hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp, Đảng đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò to lớn của doanh nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế. Nhà nước cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, tạo môi trường, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, phát triển; đặc biệt trước những tác động của đại dịch Covid-19.
Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phân tích về sức mạnh văn hóa doanh nghiệp thời dịch bệnh Covid-19: “Đất nước chúng ta đã thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh và bây giờ là lúc tính toán đến mục tiêu phát triển kinh tế. Trước, trong và cả sau khi kết thúc dịch bệnh, văn hóa đóng vai trò quan trọng để chúng ta thành công trong mục tiêu thứ hai này. Ở đây, là bài học về xây dựng văn hóa doanh nghiệp”.
Với góc nhìn vĩ mô về văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu, Việt Nam là nước có nhiều thế mạnh để xây dựng thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
“Mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân phải biết trân trọng cái mình đang có, tiết kiệm từng cơ hội, từng điều kiện thuận lợi để vươn ra biển lớn, với khát vọng đưa đất nước phát triển. Văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia góp phần không nhỏ trong hiện thực hóa ước mơ to lớn ấy”, ông Chức bày tỏ.
Nhiều tham luận có giá trị khoa học, thực tiễn cũng đã được trình bày tại hội thảo, nêu bật các vấn đề: vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; phân tích thực trạng và hiệu quả của phát huy văn hóa doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất khi đất nước, chuyển mình sang giai đoạn bình thường mới sau đại dịch Covid-19; những bài học kinh nghiệm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững; đề xuất các giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.