Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 có chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, bắt đầu diễn ra từ hôm nay, 16-10 đến 18-10. Trong giai đoạn hiện nay, MTTQ Việt Nam càng phải nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của mình, phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.

Những kết quả có tính lan tỏa sâu rộng

Nhiệm kỳ vừa qua, công tác mặt trận ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy chính quyền địa phương, nhất là các tầng lớp nhân dân. Trong đó phải kể đến việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 35-KL/TW về các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị; theo đó, Chủ tịch, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam các cấp được nâng lên một bậc trong hệ thống chức danh lãnh đạo. Ban Chấp hành Trung ương đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-11-2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

P3b.jpg
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm, tặng quà đến hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: DIỆP ANH

Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 97-QĐ/TW ngày 7-2-2023 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương. Quy định đã đề cập đến một điểm mới, là nâng tầm Đảng đoàn MTTQ Việt Nam từ trực thuộc Ban Bí thư lên trực thuộc Bộ Chính trị.

Những nghị quyết, chỉ thị của Đảng tiếp tục ghi nhận, khẳng định, cụ thể hóa vị thế của MTTQ Việt Nam và vị trí, vai trò quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Nhưng đó cũng là những yêu cầu, thách thức đặt ra ngày càng cao hơn đối với công tác mặt trận trong nhiệm kỳ mới”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh.

Một số kết quả, nhiệm vụ nổi bật từ thực tiễn thời gian qua của mặt trận cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo, linh hoạt của hệ thống mặt trận các cấp, có tính lay động, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Điển hình là MTTQ các cấp tham gia phòng chống đại dịch Covid-19; triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Gần đây nhất, mặt trận kêu gọi, vận động nhân dân cả nước hỗ trợ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 đã thu được kết quả hơn mong đợi, đến nay đã tiếp nhận ủng hộ hơn 2.000 tỷ đồng.

Hướng mạnh hoạt động về cơ sở

Tiêu đề dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 lần này đã thể hiện quan điểm mới về vai trò nòng cốt chính trị và nhiệm vụ bao trùm của mặt trận trong giai đoạn cách mạng mới, hướng tới mục tiêu cao nhất là xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề ra 6 chương trình hành động của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X. Phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2024-2029 cũng đã được MTTQ xác định cụ thể, khả thi, đồng thời bổ sung rõ các chỉ tiêu có định lượng để triển khai thực hiện. Cụ thể như, hàng quý, 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp có báo cáo phản ánh kịp thời tình hình nhân dân và đề xuất giải pháp, hướng giải quyết. Hàng năm, mỗi khu dân cư có ít nhất 1 công trình hoặc phần việc tiêu biểu, cụ thể, góp phần xây dựng, phục vụ cộng đồng (xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự, an toàn…) phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong nhiệm kỳ 2024-2029, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phấn đấu huy động nguồn lực xã hội 45.000 tỷ đồng, trong đó huy động thông qua Quỹ “Vì người nghèo” các cấp là 10.000 tỷ đồng và thông qua các chương trình an sinh xã hội trên 35.000 tỷ đồng…

Đặc biệt, ông Nguyễn Hữu Dũng chỉ rõ, trong nhiệm kỳ này, MTTQ bổ sung mới một chương trình hành động: “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”. Chương trình này nhằm hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn khu dân cư, phát huy vai trò tự quản và quyền làm chủ của người dân, theo phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho đời sống của nhân dân”.

Có thể thấy, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn luôn khẳng định đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, là đường lối chiến lược của Đảng; là cội nguồn sức mạnh, là giá trị cốt lõi và động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ. Trong giai đoạn mới, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò, quyền, trách nhiệm của mình, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Chủ đề của đại hội là “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”. Tiêu đề của báo cáo chính trị trình đại hội là “Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, phát huy dân chủ, truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Theo Đề án nhân sự Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, số lượng Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là 405 vị (tăng 20 vị so với khóa IX); số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là 72 vị (tăng 10 vị so với khóa IX); Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là 6 vị (bằng khóa IX). Nhiệm kỳ này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có 8 Phó Chủ tịch không chuyên trách (tăng 2 vị so với khóa IX).

Tin cùng chuyên mục