Đây là dự luật lớn, khó, có tính chất đặc biệt quan trọng, có tác động sâu rộng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Dự thảo luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến tại 7 phiên họp, Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề để hoàn thiện. Dự luật cũng đã được lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân và cũng đã được lùi thời điểm thông qua nhằm có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Do vậy, dự thảo luật được thông qua tại thời điểm này là phù hợp, đáp ứng mong đợi của xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay, giá nhà chung cư tại một số đô thị lớn đã tăng “phi mã”, thị trường bất động sản dù được cho là chìm lắng nhưng cơ hội có nhà ở của rất nhiều người vẫn còn hẹp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này mở ra nhiều cách tiếp cận đất đai cho các dự án. Trong những năm qua, các dự án rất khó tiếp cận đất đai, “không phải do chúng ta cố tình gây khó mà một số quy định thực sự chưa rõ ràng”. Ví dụ như phương thức xác định loại đất; dự án nào được giao đất; cơ chế xác định giá đất đấu thầu ra sao...
“Dự luật lần này về cơ bản đặt ra các phương thức đó tương đối tường minh”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét. Vì vậy, nếu dự luật được thông qua, các doanh nghiệp sẽ có phương thức tiếp cận đất đai thuận lợi hơn. Khi đó, nguồn cung có thể sẽ tăng lên, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nhà ở.
Sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (cuối năm 2023), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn rất nhiều quy định đưa ra 2 hoặc 3 phương án để đại biểu lựa chọn, đóng góp. Điều đó cho thấy các cơ quan rất lắng nghe ý kiến nhân dân và đặt ra các vấn đề cần trao đổi. Tuy nhiên, từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp này, sau những lần tiếp thu, chỉnh lý, các vấn đề còn quan điểm khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội giờ đây gần như đã được thống nhất, phần lớn các nội dung đã được quy định tương đối rõ. Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nỗ lực sửa kỹ, chi tiết, nhờ đó mang tính khả thi cao như đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và sức ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu dự luật được thông qua và sớm được triển khai sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy nguồn lực từ đất, qua đó tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, do pháp luật về đất đai liên quan tới các luật khác, vì thế, việc sửa luật khác cũng phải sớm được thực hiện để bảo đảm sự đồng bộ.
Để Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được thông qua sớm được thực thi, phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, Chính phủ và các bộ ngành liên quan nên chăng quan tâm, triển khai kịp thời việc ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật. Bên cạnh đó, công tác phổ biến về những điểm mới và nội dung trọng tâm của Luật Đất đai (sửa đổi) tới người dân, doanh nghiệp cũng cần được tuyên truyền sâu rộng để các đối tượng chịu sự tác động của chính sách nắm vững và thực hiện tốt.