Phát huy nguồn lực từ cộng đồng kiều bào vào công cuộc xây dựng đất nước

Nhận thức đầy đủ và rõ về cộng đồng và các nguồn lực tiềm tàng sẽ cho phép TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, phát huy có hiệu quả cao hơn nữa sự tham gia của kiều bào vào công cuộc xây dựng đất nước.

1. Từ nhiều năm nay, mỗi độ tết đến Xuân về, các báo đài đưa tin nhiều về lượng kiều hối được gửi về nước trong năm vừa đi qua.

Sự quan tâm đến kiều hối là điều dễ hiểu vì đây là nguồn lực bổ sung rất có ích cho nền kinh tế, tiếp viện cho đời sống của không ít hộ gia đình ở Việt Nam.

Tuy nhiên, dù quan trọng, kiều hối chỉ là một phần của nguồn lực trong cộng đồng kiều bào, bên cạnh nguồn lực về chất xám (khoa học, công nghệ, tay nghề), nguồn lực về văn hóa và vai trò đối tác trực tiếp hay cầu nối trong giao thương, rất cần cho Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới.

Trong thư gửi kiều bào ở Pháp nhân dịp Xuân Kỷ Dậu ngày 20-1-1969, Bác Hồ đã viết: “Tôi cũng mong anh chị em trí thức, sinh viên và công nhân gắng sức học tập nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến để sau này về nước góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh”.

Chúng ta sẽ thấy sự tham gia của cộng đồng kiều bào toàn diện hơn nếu thống kê đầy đủ được mỗi năm có bao nhiêu nhà khoa học kiều bào đã về giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu tại các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố; có bao nhiêu doanh nghiệp mà kiều bào đầu tư toàn phần hay một phần, đã được thành lập, đi vào hoạt động; có bao nhiêu chuyển giao công nghệ mà kiều bào đã tham gia; có bao nhiêu doanh nghiệp kiều bào ở nước ngoài đã nhập hàng của và từ Việt Nam… Và có những khó khăn, điểm nghẽn gì mà cơ chế chính sách cần tháo gỡ.

Nhận thức đầy đủ và rõ về cộng đồng và các nguồn lực tiềm tàng sẽ cho phép TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, phát huy có hiệu quả cao hơn nữa sự tham gia của kiều bào vào công cuộc xây dựng đất nước.

2. Cộng đồng người Việt Nam ngày nay khác rất nhiều so với trước năm 1976 khi tôi rời Paris về nước. Cũng rất khác so với lúc công tác vận động kiều bào bắt đầu đổi mới trong những năm 1992-1996. Khác về số lượng, về thành phần, về cơ cấu tại mỗi địa bàn, cũng như về số lượng địa bàn.

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), tính đến cuối năm 2020 có 5,3 triệu người Việt và gốc Việt đang sinh sống tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. 80% trong số đó đang sinh sống ở các nước đã phát triển.

Sự ra đời, trưởng thành của các thế hệ tiếp nối, sự ổn định, từng bước hòa nhập vào xã hội nước sở tại, một số không ít trường hợp thành đạt trong nghiên cứu khoa học, trong giảng dạy, trên thương trường, trên chính trường là những thay đổi rõ ràng về cục diện của cộng đồng tại các địa bàn. Mối quan hệ với đất nước mang những sắc thái và cơ hội mới.

Từ thực tế và bằng việc làm cho thấy, cội nguồn văn hóa, lòng tự hào dân tộc, tình cảm quê hương vẫn còn đó, được gìn giữ qua tiếng Việt, qua văn hóa, kể cả qua ẩm thực. Những gắn bó đó đã từng và cũng sẽ - tôi tin như vậy - bừng sáng khi chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bị đe dọa.

Ảnh Bác Hồ gửi tặng kiều bào tại Pháp, ngày 20-1-1969

Ảnh Bác Hồ gửi tặng kiều bào tại Pháp, ngày 20-1-1969

"Mong các cụ và anh chị em cố gắng hơn nữa, luôn luôn đoàn kết chặt chẽ và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của nhân dân Pháp anh em… Tôi cũng mong anh chị em trí thức, sinh viên và công nhân gắng sức học tập nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới để sau này về nước góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh." - Trích thư Bác gửi kiều bào tại Pháp ngày 20-1-1969

3. Thế và lực của đất nước ngày nay cũng khác xa so với trước. Cách đây 20 năm, Việt Nam còn chưa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, chỉ mới có Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Hiện nay nước ta là một trong số các quốc gia hội nhập quốc tế sâu rộng nhất thế giới (tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do - FTA, trong đó có FTA thế hệ mới), với độ mở của nền kinh tế cao tương ứng.

Nền kinh tế Việt Nam đang được xếp vào loại thu nhập trung bình thấp nhưng với tốc độ tăng trưởng GDP trong 15 năm gần đây, có dự báo rằng Việt Nam sẽ tham gia nhóm thu nhập trung bình cao vào khoảng năm 2025.

Trình độ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ đã được nâng cao đáng kể nhờ biết đi ngay vào những công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo cũng đã góp phần vào sự nâng cao này.

Đến cuối năm 2022, 73,2% dân số Việt Nam nối mạng Internet, có 94,2 triệu thuê bao điện thoại di động thông minh. Hệ thống cáp quang đã được triển khai đến 100% xã phường thị trấn, 91% thôn bản, 100% các trường học.

Việc đi lại trong nước và với nước ngoài bây giờ cũng thuận tiện nhiều so với ngày trước. Mức sống, nhất là ở các đô thị lớn, không còn quá cách biệt với các nước như trước. Một số mặt hàng như điện tử ở Việt Nam có khá sớm trên thị trường, ngày càng ít khác biệt về chất lượng so với các thị trường, các khu vực khác, giá cả tương đương, thậm chí thấp hơn.

Chất lượng cuộc sống và môi trường đang là những mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam du lịch hay làm việc đánh giá Việt Nam là đất nước thanh bình, người dân thân thiện.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu tại buổi họp mặt Người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân Quý Mão 2023, ngày 7-1. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu tại buổi họp mặt Người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân Quý Mão 2023, ngày 7-1. Ảnh: VIỆT DŨNG

4. Khoa học, công nghệ trên thế giới, đặc biệt công nghệ thông tin và truyền thông, tiến rất nhanh. Khoảng cách không gian và thời gian được rút ngắn, gần như trực tiếp và tức thì. May mắn là người Việt Nam ở trong và ngoài nước có mặt trong nhiều lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực tiên tiến nhất.

Rõ ràng, ngày nay khả năng hợp tác giữa đồng nghiệp (doanh nghiệp, nhà khoa học) trong và ngoài nước được mở ra đa dạng, phong phú và trên nhiều mặt thuận lợi hơn trước đây rất nhiều. Phải chăng đây là lúc để trong và ngoài nước cùng nhau xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh.

Trong công tác vận động kiều bào, một trong bốn yêu cầu là “giúp kiều bào hiểu tình hình đất nước, phát huy khả năng góp phần xây dựng quê hương, kết hợp lợi ích của mình và của đất nước” (1).

Để biến thuận lợi thành hiện thực, cùng nhau xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh thì cần vun đắp mối quan hệ với quê hương ngày càng gắn bó khăng khít, và cụ thể hóa chủ trương nói trên bằng những cơ chế chính sách phù hợp.

Trong bối cảnh mới tôi càng tin rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể góp phần tích cực, xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước và vào công cuộc hội nhập, không chỉ Việt Nam vươn ra với thế giới mà còn thế giới đến với Việt Nam, yêu mến nền văn hóa đậm tính nhân văn của dân tộc này.


(1) 50 năm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (1959-2009), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Một chặng đường, trang 119-124, Hà Nội, 2009.

Tin cùng chuyên mục