Ông Peter Hồng, kiều bào Australia, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), có nhiều suy tư về phát huy nguồn lực kiều bào, chung sức phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
PHÓNG VIÊN: Là người có nhiều hoạt động sôi nổi kết nối kiều bào, ông nhận xét như thế nào về sự gắn kết của bà con kiều bào với cội nguồn dân tộc?
ÔNG PETER HỒNG: Cá nhân tôi cũng như đông đảo kiều bào, dù đang sinh sống và làm việc ở đâu, sâu thẳm trong trái tim mình vẫn luôn đau đáu nhớ về cội nguồn và mong muốn góp sức nhỏ bé cho sự phát triển của đất nước, của TPHCM. Nghị quyết 36-NQ/TW đã khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Để dễ mường tượng, chúng ta có thể thấy từ khi đất nước mở cửa đổi mới, chúng ta thu hút hơn 211 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Song song đó, đến giờ này, kiều bào đóng góp về Việt Nam 153 tỷ USD kiều hối. Để có được dòng tiền đầu tư FDI, chúng ta phải có các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư. Trong khi đó, kiều hối là tiền tự kiều bào gửi về, người đưa tiền không đòi hỏi điều gì. Chúng tôi thường gọi nôm na là “tiền từ trên trời rớt xuống” và năm sau luôn cao hơn năm trước, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối cao nhất thế giới. Không chỉ đóng góp đơn thuần về tài chính, kiều bào còn ra sức đóng góp trí lực, tâm sức cho quê nhà. Kiều bào là một cầu nối hiệu quả gắn Việt Nam với thế giới, và ngược lại.
Trong dòng chảy gắn kết đó, dấu ấn tham gia của doanh nhân kiều bào ra sao, thưa ông?
Trong hơn 4,5 triệu kiều bào, có đến 450.000 kiều bào là trí thức, doanh nhân, người có trình độ cao. Doanh nhân kiều bào luôn hướng về quê hương. Nguồn lực của các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào không chỉ là lượng kiều hối mà còn chính là mạng lưới thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài.
Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đang trăn trở và cố gắng hết sức cho câu chuyện làm thế nào đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài. Từ Nghị quyết 36-NQ/TW, đến Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị và mới đây nhất là Quyết định 1797/QĐ-TTg ngày 12-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài”, đây là động lực để bà con kiều bào làm ăn với nhau, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong nước mang hàng hóa ra nước ngoài. Trong năm 2020, chúng tôi phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các đơn vị liên quan bắt đầu tạo lập ít nhất ở mỗi quốc gia một trung tâm trưng bày các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. Dự kiến, tháng 3-2020, trung tâm đặt tại Hàn Quốc ra đời; tháng 4-2020 làm ở Australia, tiếp đó là Nhật Bản; tháng 6-2020 tại Lào; tháng 9-2020 tại Đức; tháng 10-2020 tại Nga và tháng 11-2020 tại Malaysia.
Sang năm 2021, các trung tâm trưng bày tiếp tục được mở tại các nước. Hiệp hội chọn mỗi tỉnh một sản phẩm, tạo ra bức tranh chung phong phú và chọn lọc các sản phẩm thật sự tiêu biểu cho Việt Nam, hàng đầu của Việt Nam để giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Với sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, thế mạnh của Việt Nam, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức một ngày riêng quảng bá cho sản phẩm đó, kết nối đối tác quốc tế với Việt Nam và giới thiệu hàng Việt Nam đạt chuẩn quốc tế ra thế giới. Chúng tôi cũng phối hợp với các bộ ngành liên quan để trang bị kỹ thuật, công nghệ, phương pháp tới doanh nghiệp và người sản xuất trong nước nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Bà con kiều bào sẽ là đại sứ, là cầu nối rất tốt để đưa hàng Việt Nam ra giao thương quốc tế và tôi cho rằng, kiều bào có thể làm tốt điều này. Bởi, kiều bào có thế mạnh ngọn lửa tình yêu quê hương, am hiểu về văn hóa, sản phẩm Việt, lại có sự xông xáo, chịu thương chịu khó, lặn lội làm ăn buôn bán.
Xóa bỏ khoảng cách, khác biệt
Trong các hoạt động hướng về quê nhà, ông có gặp phiền toái nào đi ngược lại chủ trương của Đảng khẳng định kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam?
Chủ trương của Đảng với kiều bào rất rõ ràng, song trên thực tế, việc triển khai, hiện thực hóa chủ trương đôi khi còn hạn chế. Có cơ quan phụ trách về kiều bào nhưng nhân sự lãnh đạo thay đổi liên tục, thậm chí có người chỉ còn vài tháng công tác, sắp về hưu, lại được điều sang phụ trách kiều bào. Nhiều khi kiều bào muốn liên hệ phối hợp công tác mà không biết ai phụ trách, giải quyết công chuyện vì nhân sự thay đổi nhanh quá. Hội viên chúng tôi, doanh nhân kiều bào về nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhân viên của họ có đến cả ngàn người, nhưng liên hệ công tác có khi lại gặp ngay một cán bộ trẻ, cấp phó trưởng phòng của một cơ quan ra oai, vặn vẹo vô lý.
Các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư kiều bào cũng chưa rõ ràng. Người nước ngoài đầu tư thì được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư diện FDI. Còn kiều bào đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ gì hơn nữa? Cần tiếp tục đổi mới, để thu hẹp và đi đến xóa bỏ mọi khoảng cách, khác biệt, gắn kết mạnh mẽ khối đại đoàn kết hơn 90 triệu đồng bào trong nước và hơn 4,5 triệu đồng bào ở nước ngoài.
Ông sinh ra ở Việt Nam, luôn chảy trôi trong mình niềm hãnh diện và tình yêu quê nhà. Với các con của ông và rộng ra là những kiều bào không sinh ra ở Việt Nam (thế hệ kiều bào thứ hai - F2, thứ ba - F3…), làm thế nào để gắn kết hơn với nguồn cội?
Tôi luôn nói tôi là người yêu nước, thương nòi Việt Nam 100%. Nhưng với con tôi thì khác, khó có thể là 100%. Chúng là công dân toàn cầu và có mức độ 80% gắn kết với Việt Nam đã là “ok” rồi; đến cháu tôi, thì mức 50% là được. Cũng có khi, F2, F3 ít quan tâm, nhưng F4, F5 lại tìm về quê hương mình. Các thế hệ kiều bào trẻ là những người cực kỳ thành công, có tài năng, được đào tạo bài bản. Và đây chính là “mỏ vàng” mà những cơ quan làm công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải nhắm tới. Điều quan trọng là cần cho trẻ học tiếng Việt, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nước nhà. Trách nhiệm đầu tiên là gia đình, nhưng về tổng thể, cần có bộ sách giáo khoa tiếng Việt phát cho con cháu người Việt Nam ở nước ngoài, để giáo dục tiếng Việt cho thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba.
Rất nhiều công việc của đất nước đang cần sự chung tay, đồng hành góp sức của đông đảo người dân. Tuy nhiên, do thông tin, sự phối hợp còn thiếu sót mà nhiều kiều bào muốn góp sức cũng không biết các cơ quan, đơn vị ở trong nước cần gì, thiếu gì, muốn gì để góp sức. Điều này cần được khắc phục, bằng cách các cơ quan, địa phương cần gì, muốn gì, cứ đặt hàng thẳng với kiều bào. Chúng ta cũng thường vướng vào việc nói nhiều mà mọi việc chuyển biến còn chậm.
Đất nước nói chung, TPHCM nói riêng đang có tầm nhìn lớn, kiều bào có rất nhiều người có kiến thức, trình độ đủ hợp tác, đồng hành với TPHCM, với đất nước. Chỉ cần các nơi đưa yêu cầu cụ thể, có chính sách rõ ràng thì anh em chúng tôi sẵn sàng cùng về, cùng làm với TPHCM, với đất nước.