Phát huy mô hình hợp tác xã, tạo đầu ra cho hàng Việt

Việc phát huy sáng tạo các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ được nhận định sẽ góp phần tạo đầu ra ổn định cho hàng Việt, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Khách hàng chọn mua trái cây tại siêu thị Co.opmart ở TPHCM
Khách hàng chọn mua trái cây tại siêu thị Co.opmart ở TPHCM

Áp lực lớn trong tiêu thụ hàng hóa

Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam. Không chỉ vậy, theo ông Phạm Trọng Chinh, chuyên gia cao cấp về hệ thống phân phối và tiếp thị thương mại, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thời gian tới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể làm gia tăng thêm áp lực cạnh tranh cho hàng Việt tại ngay thị trường trong nước.

Trong khi đó, theo các khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Vietnam công bố gần đây, niềm tin của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam từ cuối năm 2024 đến nay vẫn chưa phục hồi rõ nét, vì vậy DN ở các ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã phải tăng các chương trình khuyến mãi để bán được hàng. Dẫn số liệu khảo sát, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Worldpanel Vietnam, cho biết, có tới 73% ngành hàng FMCG tăng tỷ lệ khuyến mãi trong năm 2024 so với năm 2023; 40% ngành hàng vừa tăng dịp mua có khuyến mãi, vừa tăng được dịp mua cả năm.

Dù vậy, nghiên cứu của Kantar Worldpanel Vietnam ở nhiều chương trình khuyến mãi cho thấy, trong số 100% doanh thu có khuyến mãi chỉ 60% mang lại hiệu quả tích cực dài hạn, còn 40% là tiêu cực. “Gần như tất cả hình thức khuyến mãi đều giúp tăng doanh thu trong ngắn hạn; còn về lâu dài, không phải khuyến mãi nào cũng mang lại hiệu quả tích cực cho nhà sản xuất”, bà Phương Nga nhận xét.

Báo cáo quý 1-2025 về tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn TPHCM do Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) khảo sát đã phần nào cho thấy bức tranh khó khăn mà DN phải đối diện. Theo báo cáo, có 37% DN thiếu đơn hàng mới và 50% DN gặp khó do nhu cầu tiêu dùng suy giảm.

Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác xã

Trước những áp lực nói trên cộng hưởng những thách thức vốn có trên thị trường hiện nay, đầu tháng 4-2025, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025. Trong đó, Bộ Công thương đã nhấn mạnh các giải pháp như đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu; triển khai đồng bộ, hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Theo đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, những giải pháp nói trên là điều kiện cần, nhưng đặt trong bối cảnh năm 2025 tình hình chính trị và kinh tế thế giới liên tục có nhiều biến động phức tạp, cần có thêm những giải pháp dài hơi. Đó là bản thân các DN phải cơ cấu lại danh mục hàng hóa, thay vì bán cái mình có, phải bán cái thị trường cần. Đồng thời, DN cần tự điều chỉnh khả năng thích ứng bằng cách cá nhân hóa sản phẩm theo thị hiếu của NTD, thể hiện trên bao bì, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, một yếu tố quan trọng khác là phải phát huy được vai trò của mô hình hợp tác xã (HTX) bán lẻ, cụ thể ở đây là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm tạo đầu ra cho hàng Việt.

“Hiện nay, bản chất của mô hình HTX là hoạt động cộng sinh và đặc biệt là mô hình này không chỉ có ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đều có. Vì vậy, chúng ta cần thông qua sự bắt tay “đôi bên cùng có lợi” giữa HTX bán lẻ Việt Nam với các HTX ở các nước, qua đó trao đổi hàng hóa giúp sản phẩm Việt thâm nhập ra thế giới”, vị đại diện này cho biết.

Trên thực tế, theo Saigon Co.op, từ năm 2013, nhà bán lẻ này đã thực hiện bắt tay cùng NTUC FairPrice (một tổ chức HTX của Singapore - chiếm tới 60% thị phần bán lẻ ở quốc đảo) và thành công đưa hàng hóa Việt Nam phủ khắp các siêu thị tại Singapore. Đáng mừng hơn, nhiều mặt hàng của Việt Nam như gạo ST25, cà phê… còn trở thành sản phẩm yêu thích của NTD ở quốc gia này. Ngoài Singapore, Saigon Co.op cũng hợp tác cùng tổ chức Liên minh HTX quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt vào Nhật Bản và một số quốc gia khác.

Tuy nhiên, sự bắt tay giữa các HTX của Việt Nam với thế giới như cách Saigon Co.op làm vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân, theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, trong quá trình phát triển, mô hình HTX nói chung tại Việt Nam không được đặt trong sự quản lý như DN tư nhân nhưng cũng không phải là DN nhà nước, nên khi hợp tác với các nước sẽ có vướng mắc. Do đó, phải có cơ chế, chính sách phát triển HTX tại Việt Nam tương đồng như HTX ở các nước. Chỉ khi vấn đề này được tháo gỡ mới góp phần thúc đẩy đưa hàng Việt ra thế giới ngày càng nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục