Đây là lần đầu tiên sông Sài Gòn và hệ bờ sông, kênh rạch của một đô thị cảng sông đã kể câu chuyện của chính nó, với những “chứng nhân” lịch sử trải dài theo chiều không gian - thời gian của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM.
Soi bóng xuống dòng sông Sài Gòn - một di sản thiên nhiên để nhận ra, vẫn còn đó những di sản văn hóa, được con người tạo dựng, giữ gìn như Cột cờ Thủ Ngữ, Cảng Nhà Rồng…; là sức người đã đào kênh lấp bể để mở mang, xanh hóa những dòng kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hệ bờ kè Bến Bình Đông…; là không gian giao hòa, hiện đại như Công viên Bến Bạch Đằng, Landmark 81…
Cho nên, là lễ hội sông nước nhưng mở ra nhiều không gian văn hóa - cộng đồng trên bờ, kết nối với những nguồn lực phát triển từ giao thông thủy - bộ, các loại hình dịch vụ, thương mại, ẩm thực, giải trí đa dạng, đa vùng miền. Đặc biệt, lễ hội này như một điểm nhấn phản chiếu hệ quan điểm chính sách phát triển của TPHCM được chuẩn bị trong mấy năm gần đây và đang tập trung thực hiện.
Trước hết là phát huy lợi thế tự nhiên của sông Sài Gòn, thông qua việc đưa (định hướng) quy hoạch sông Sài Gòn vào (điều chỉnh) quy hoạch chung thành phố và quy hoạch kinh tế - xã hội đang triển khai. Ở đó, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là phục dựng, mở rộng các không gian cộng đồng để phục vụ người dân như mạng lưới bến thủy, công viên. Tập trung thúc đẩy giao thông thủy bao gồm buýt đường sông, các tàu chở người - hàng, kết nối chuỗi Logistics; hình thành mạng lưới bến thủy nội địa mà trước mắt tập trung các bến ở sông Sài Gòn.
Phát triển du lịch đường sông bằng cách tăng cường các chuyến tàu du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao, trải nghiệm trên sông gắn với kinh tế đêm và việc hình thành một số phân khu ẩm thực, dịch vụ mới dọc hai bờ sông (giai đoạn đầu tập trung ở các khu vực quận 1, quận 7 và TP Thủ Đức). Kết nối các bên bờ bằng việc xây dựng các cây cầu nối 2 bờ sông Sài Gòn từ cầu đi bộ, cầu dành cho xe đạp, cầu Thủ Thiêm 4; cầu dân sinh dọc theo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.
Thông qua việc kết nối di sản thiên nhiên, quá trình phục dựng, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM được tập trung đầu tư, thúc đẩy ở cả khía cạnh văn hóa - du lịch - kinh tế. Các giải pháp bền vững được thiết lập như: Mở rộng mạng lưới tham quan và tăng tính tương tác ở các địa điểm du lịch lịch sử. Chú trọng khai thác các con đường di sản, những câu chuyện lịch sử, các điểm di tích, nhà di sản.
Trong đó thiết lập các khu di sản - lịch sử bằng cách phân cụm các quận có điểm chung liên kết, đặc tính cận văn hóa để bảo tồn và phát triển các điểm tham quan tốt hơn. Cũng qua đó, tìm cách khuyến khích, phát triển các chương trình, mô hình homestay trải nghiệm sinh hoạt văn hóa bản địa, nhất là vào các dịp lễ tết. Đó cũng là cách tiếp thị môi trường sống, đầu tư và du lịch trải nghiệm của từng địa bàn trong thành phố vốn đa sắc, đa dạng, năng động và thân thiện. Đẩy mạnh quốc tế hóa, khơi dậy sức hấp dẫn của một thành phố có tính thích nghi, hấp thu, sáng tạo mạnh mẽ.
Cuối cùng, khi đã mở rộng biên độ kết nối không gian thì phần còn lại là khai thác về mặt thời gian, tức ngày lẫn đêm, trong đó đặc biệt là đánh thức nội lực, tiềm lực của một thành-phố-không-ngủ qua mô hình kinh tế đêm, kinh tế dịch vụ và kinh tế ven sông. Mà đầu tiên, khởi phát từ quận 1 với đề án kinh tế đêm đang được đưa vào hiện thực với “3 trục động lực” xương sống và “6 cụm chức năng” liên kết vành đai.
Từ trục văn hóa - thương mại - tinh hoa Sài Gòn (tính từ khu vực hồ Con Rùa ra Đồng Khởi về vòng xoay Quách Thị Trang) đến trục xanh đô thị (khu vực Công viên 23-9 vòng qua đường Tôn Thất Tùng); trục ven mặt nước (dọc theo công viên Bạch Đằng, cảng Ba Son) với đề án Con đường Ánh sáng ven mặt nước, lấy khu vực bến thủy và đường hành lang sông làm điểm nhấn là đã mở ra chuỗi không gian - thời gian “trên bến dưới thuyền” như một đặc sản thiên nhiên - văn hóa của đô thị sông nước Sài Gòn - TPHCM.