![Saigon Co.op dự kiến mở mới nhiều đại siêu thị Co.opXtra ở các tỉnh thành trong năm 2025](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/zlqxwpcqd/2025_02_13/xhh-7b-83-1861.jpg.webp)
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, thị trường bán lẻ Việt Nam đang ghi nhận tăng trưởng tích cực với doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn thị trường năm 2024 đạt 4.921,7 ngàn tỷ đồng, chiếm 77,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 8,3% so với năm trước.
Theo dự báo của Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2024. Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ năm nay sẽ tiếp tục là sân chơi đầy cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất cũng như bán lẻ. Bên cạnh cơ hội, DN sẽ phải đối mặt với những thách thức như hành vi tiêu dùng tại Việt Nam đang trải qua những thay đổi sâu sắc, khi người tiêu dùng phải thích nghi với các phương thức mua sắm mới để đảm bảo chất lượng cuộc sống mà không vượt quá khả năng tài chính.
Cụ thể, theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường NielsenIQ, áp lực kinh tế như lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao đã khiến 50% người tiêu dùng Việt Nam hiện chỉ đủ khả năng chi tiêu cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản, những khoản chi tiêu xa xỉ bị cắt giảm đáng kể. Tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm trong tổng thu nhập đã tăng từ 50% lên 54% trong quý 3-2024, phản ánh xu hướng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các kênh bán lẻ truyền thống như chợ và tạp hóa sang các mô hình hiện đại hơn như siêu thị mini và thương mại điện tử (TMĐT), nơi người mua có thể tận dụng các ưu đãi, giảm giá và sự tiện lợi trong thanh toán.
Báo cáo Xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay cũng nhấn mạnh, mặc dù mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam rất rộng lớn, với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của bán lẻ hiện đại, đặc biệt là TMĐT mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Trong báo cáo nhanh về tình hình kinh doanh Tết Ất Tỵ 2025 được Sở Công thương TPHCM công bố mới đây cũng khẳng định: dịp tết vừa qua, kênh mua sắm hiện đại gồm siêu thị và sàn TMĐT đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, trái ngược hoàn toàn với kênh mua sắm truyền thống là chợ và cửa hàng tiện lợi. Cụ thể, thống kê từ Sở Công thương cho thấy, lượng hàng tết lưu thông qua 3 chợ đầu mối ở TPHCM năm nay tuy tăng mạnh 70-80% so với ngày thường nhưng giảm 10-15% so với cùng thời điểm Tết Giáp Thìn 2024. Ngược lại, sức mua tại kênh phân phối hiện đại tăng mạnh 100-120% so ngày thường và tăng 15-20% so với cùng thời điểm Tết Giáp Thìn 2024. Riêng sức mua tại các hệ thống phân phối như Saigon Co.op, Aeon, Bách hóa Xanh… tăng 30-40% so với cùng kỳ; kênh TMĐT tiếp tục đà tăng trưởng 45-50%/năm... Tính chung dịp tết, sức mua sắm tết tại các kênh phân phối hiện đại tăng từ 15-20% so với cùng kỳ.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, để cạnh tranh, các nhà bán lẻ cần tập trung vào trải nghiệm mua sắm theo hướng tạo ra những không gian mua sắm thú vị và dễ tiếp cận, cả trực tiếp và trực tuyến; sử dụng công nghệ như thực tế ảo để khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm ngay tại nhà; nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Đặc biệt, DN cần tăng cường chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng…
Trong xu hướng này, nhà bán lẻ thuần Việt Saigon Co.op cho biết, đơn vị sẽ tích hợp trí tuệ nhận tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) để cá nhân hóa sản phẩm theo sở thích khách hàng; mở rộng kênh bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, TikTok Shop, Zalo…); phát triển mô hình O2O (Online to Offline), đặt hàng online, nhận tại cửa hàng hoặc giao tận nhà, cho phép khách hàng mua sắm trên app Saigon Co.op và chọn giao hàng trong vòng 2 giờ… Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đơn vị sẽ tăng cường TMĐT và giao hàng nhanh bằng cách phát triển hệ thống kho thông minh giúp xử lý đơn hàng nhanh hơn; hợp tác với các đơn vị vận chuyển (Grab, AhaMove, Loship...) để giao hàng siêu tốc; mở rộng dịch vụ đi chợ hộ, giao hàng trong ngày cho thực phẩm tươi sống…
Với những bước đi chiến lược này, Saigon Co.op mong muốn vừa giữ vững thị phần cho hàng Việt, vừa tạo sân chơi cho các nhà cung cấp nội địa, giúp họ cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập trên sân nhà.