Lộ trình tuyến buýt đường sông từ bến Bạch Đằng đi theo dòng sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn, đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức). Tuyến này có 4 tàu buýt (mỗi tàu 75 chỗ ngồi), đón trả khách 12 lượt/ngày, qua 5 bến: Bạch Đằng (quận 1), Bình An (quận 2), Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Hiệp Bình Chánh và Linh Đông (quận Thủ Đức). Tại bến Bạch Đằng - bến chính của tuyến buýt đường sông số 1, ngày cuối tuần có khá đông hành khách, nhưng đối tượng chủ yếu là hộ gia đình và du khách trong nước đi thưởng ngoạn sông Sài Gòn. Còn các ngày thường trong tuần, rất ít hành khách sử dụng phương tiện này để di chuyển, lưu thông.
Còn nhớ, hồi tháng 11-2017, khi khai trương tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Việt Nam này, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM đã khẳng định mục tiêu: TPHCM có hơn 1.000km đường thủy nội địa nhưng những năm qua chưa khai thác lợi thế này. Việc có tuyến buýt đường sông sẽ góp phần tìm lời giải bài toán giảm ùn tắc giao thông đường bộ, đồng thời là sản phẩm của ngành du lịch thành phố. Đây là mốc quan trọng mở ra một loại hình vận tải công cộng mới, từng bước hoàn thiện vận tải hành khách liên kết đa phương thức cùng với tàu điện ngầm, giảm bớt áp lực và sự phụ thuộc vào đường bộ như hiện nay. Kỳ vọng là vậy, nhưng thực tế hiện nay, trong khi tình trạng ùn tắc giao thông đường bộ tiếp tục diễn biến phức tạp thì tuyến buýt đường sông vẫn chỉ hoạt động cầm chừng.
Phương tiện buýt sông là một loại hình khá thú vị, ấn tượng. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen đi lại, để buýt đường sông thực sự là phương tiện giao thông công cộng, cần xây dựng các bến đón khách đáp ứng các tiêu chí: bến ở vị trí thuận tiện hoặc có xe trung chuyển để kết nối giao thông đường bộ tốt; có nhà chờ, có chỗ gửi xe máy an toàn cho hành khách. Đồng thời, cần sớm triển khai thêm các tuyến buýt đường sông khác để có sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ, thuận tiện.