Phát huy lối sống nghĩa tình của người thành phố văn minh, hiện đại

Ngày 5-1, Hội Dân tộc học - Nhân học (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM) tổ chức hội thảo khoa học “Vấn đề dân tộc và tôn giáo trong bối cảnh hiện nay ở TPHCM”, tại hội trường Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ (49 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1).

IMG_3737.JPG
Hội thảo khoa học “Vấn đề dân tộc và tôn giáo trong bối cảnh hiện nay ở TPHCM”

Hội thảo đã nhận 51 tham luận và chọn 42 tham luận in thành Tuyển tập “Nhân học và Cuộc sống" (tập 10) được “Hội đồng thẩm định của Liên hiệp hội thông qua nội dung vào ngày 12-11-2024 và thông qua nghiệm thu ngày 24-12-2024.

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa - lịch sử - tôn giáo… đồng quan điểm, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là vấn đề quan trọng, đã được Đảng và Bác Hồ đề cập nhiều lần và liên tục được bổ sung, hoàn thiện.

IMG_3533.JPG
TPHCM luôn chủ trương phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách của con người thành phố năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình trong quá trình xây dựng thành phố. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Phan Xuân Biên phân tích: “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình được xác định như một giá trị đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Sài Gòn – TPHCM, có mối quan hệ với căn tính con người nơi đây và hệ giá trị của vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Lịch sử khai khẩn, mở cõi và truyền thống đấu tranh giữ cõi, giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông đã tạo nền tảng, bệ đỡ vững chắc về văn hóa nghĩa tình, lối sống nghĩa tình của người Sài Gòn - Gia Định - TPHCM hôm nay”.

IMG_3739.JPG
Tinh thần sẻ chia vì cộng đồng luôn hiện hữu trên mọi nẻo đường thành phố. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

PGS.TS Phan Xuân Biên cũng chia sẻ thêm, theo dòng lịch sử từ Thăng Long, Thanh Nghệ Tĩnh, qua miền Ngũ Quảng vô sinh cơ lập nghiệp nơi “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” thì ai ai cũng phải kiên trì chịu đựng gian khổ, thi thố tài năng để biến “rừng rậm, đầm lầy, đầy lau lách” trở thành “cánh đồng phì nhiêu, xóm làng trù phú...”. Trong sự nghiệp gian nan ấy, tính “trọng nghĩa khinh tài”, tinh thần vì đại nghĩa, vì quan hệ giữa người với người được hun đúc.

Trên vùng đất mới, cộng đồng cư dân chung lưng đấu cật khai hoang lập nghiệp, đức độ cần biểu lộ là sự cư xử khoáng đạt, rộng rãi. Đặc biệt, khi có ai trong cộng đồng gặp tai ương, hoạn nạn là mọi người ra tay cứu trợ bằng tấm lòng chân thành, quý trọng thật sự. Người dân nơi đây thường lưu tâm đến những người gặp họa, những kẻ nghèo khó, ghét những kẻ đạo đức giả, hay thay lòng đổi dạ, xu nịnh những người quyền thế...

“Tính cách “trọng nghĩa, khinh tài”, sống có tình có nghĩa của người dân phương Nam được biểu hiện rất hồn nhiên, nhẹ nhàng trong cuộc sống. Dòng chảy lịch sử qua bao thời gian đã hun đúc, phát triển tính cách, phẩm chất ấy trở thành một đặc tính như là đặc trưng văn hóa, căn cốt con người nơi đây”, PGS.TS Phan Xuân Biên bày tỏ.

IMG_3742.JPG
Các hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa như một nét văn hóa đặc trưng của người thành phố. ẢNH: HOÀNG HÙNG

Trong chiều dài lịch sử, từ những nhát cuốc khai hoang mở đất cho đến ngày nay, biết bao công sức, huyết hãn, máu xương, tính mạng của bao thế hệ người Việt Nam đã tôn tạo nên TPHCM rực rỡ tên vàng. Cho nên, “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” luôn là phong trào, là hành động, việc làm mang đậm bản chất, truyền thống cao đẹp, nhân văn cao cả, luôn hiện diện trong Văn kiện của Đại hội Đảng bộ thành phố suốt 11 nhiệm kỳ kể từ sau ngày giải phóng (1975) đến nay, luôn được thực thi trong cuộc sống bằng những việc làm cụ thể như chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ, anh chị em thương bệnh binh, người có công, người bị tù đày, bị chất độc màu da cam...

Các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi, khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định... đã trở thành những “địa chỉ đỏ”, những biểu tượng của văn hóa nghĩa tình của TPHCM. Chương trình Xóa đói giảm nghèo của thành phố khởi xướng từ năm 1992 đã trở thành chương trình lớn của cả nước từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) của Đảng.

IMG_3741.JPG
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, người dân TPHCM tiếp tục giữ gìn và phát huy lối sống nghĩa tình của người thành phố văn minh, hiện đại. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

Bên cạnh đó, các nội dung như tiếp cận nghiên cứu những vấn đề chung về dân tộc và tôn giáo, những vấn đề cụ thể về kinh tế và xã hội, văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng trong bối cảnh hiện nay ở TPHCM và vùng phụ cận…. được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, diễn giả tham gia hội thảo quan tâm thảo luận.

Đây là những nghiên cứu có giá trị học thuật dưới góc nhìn dân tộc học/nhân học và các ngành khoa học khác liên quan, nhằm góp phần nhận diện thấu đáo hơn những vấn đề về dân tộc và tôn giáo, về bản sắc, giá trị truyền thống và những biến đổi trong đời sống kinh tế và xã hội, văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc ở thành phố và vùng phụ cận hiện nay.

Bên cạnh hội thảo, Chi Hội Dân tộc học - Nhân học (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM) cũng báo cáo hoạt động trong năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

img-3736-3162-3260.jpg

Theo đó, Hội tiếp tục huy động các đơn vị trực thuộc và toàn thể hội viên tập trung vào việc thực hiện các hoạt động cơ bản như sau:

Tiếp tục tăng cường công tác hội viên, củng cố các chi hội và đơn vị trực thuộc; hoàn thiện một số thủ tục về hành chính và tổ chức của Hội.

Mở rộng mạng lưới các đơn vị trực thuộc Hội trên cơ sở phối hợp với Trường Đại học Văn hóa TPHCM, Đại học Mở TPHCM, Ban Dân tộc TPHCM và các tổ chức trong cộng đồng người Hoa, người Khmer, người Chăm trên địa bàn thành phố.

Thường vụ Hội xem xét, quyết định về tổ chức triển khai Giải thưởng Dân tộc học - Nhân học của Hội vào đầu năm 2025, nhằm khuyến khích hội viên với các công trình nghiên cứu có chất lượng khoa học và giá trị thực tiễn.

Xây dựng đề cương và lập kế hoạch triển khai nghiên cứu và biên soạn chuyên khảo: “Các dân tộc ở Nam Bộ (trong lịch sử) xưa và nay”, dự kiến hoàn thành tập hợp bản thảo và xuất bản vào đầu năm 2026...

Tin cùng chuyên mục