Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã khơi dậy và phát huy được sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, đặc biệt là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo nên sự đồng thuận, tạo thành sức mạnh càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta, đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, mỗi khi dân tộc ta đoàn kết thành một khối thống nhất sẽ tạo thành sức mạnh vô địch vượt qua mọi chông gai, thử thách. Đại đoàn kết dân tộc đã trở thành chất kết dính, gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.
Để chống lại kẻ thù xâm lược, dân tộc ta từ xa xưa đã biết liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh. Qua suốt chiều dài lịch sử, tinh thần ấy đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Kiều bào là nguồn lực quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc. Ảnh (chụp tháng 1-2017): Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân (khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hiện là Bí thư Thành ủy TPHCM) tặng quà kiều bào tại buổi họp mặt nhân dịp Tết Đinh Dậu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ khi ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong công cuộc đổi mới này có phần đóng góp lớn lao của mọi tầng lớp người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Mọi tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chưa khi nào, Đảng ta ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như những năm qua. Trong đó có Nghị quyết 23-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết 20-NQ/TW về xây dựng giai cấp công nhân; Nghị quyết 26-NQ/TW về nông dân; Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức; Nghị quyết 09-NQ/TW về doanh nhân; Nghị quyết 25-NQ/TW về thanh niên; Nghị quyết 11-NQ/TW về phụ nữ; Nghị quyết 09-NQ/TW về cựu chiến binh…
Tất cả những chính sách ấy đã dần đi vào cuộc sống, góp phần xây đắp khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tạo sự đồng thuận xã hội vì sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay đã xuất hiện những biểu hiện và bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên; là tình trạng tham nhũng, lãng phí; là phân hóa giàu nghèo; là tình trạng vi phạm dân chủ... đã gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến uy tín của Đảng, của Nhà nước và mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Trong các văn kiện của Đảng đã nêu rõ: “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc.
Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”. Để thực hiện mục tiêu cao cả này, đòi hỏi Đảng phải động viên và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ cần chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Đặc biệt, Đảng phải chống được tham nhũng để lấy lại uy tín chính trị trước nhân dân. Chăm lo và tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam các cấp phát huy vai trò của mình trong đoàn kết, tập hợp nhân dân.
Cần gắn việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người có chức, có quyền; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; vận động các tầng lớp nhân dân cùng Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội.
Chăm lo và phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt, cần nhanh chóng hiện thực hóa các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ mọi định kiến, hòa giải dân tộc để tạo sức mạnh người Việt Nam ở trong và ngoài nước; phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung của tổ tiên, cùng nhau hợp sức xây dựng cho được một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển toàn diện, bền vững của đất nước.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy có những giai đoạn và sự kiện thật đặc sắc, tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Những ngày đầu nước cộng hòa non trẻ, trong Quốc hội của nước Việt Nam khi ấy có rất nhiều thành viên là người của các đảng phái, nhiều nhân sĩ, trí thức và các thành phần khác nhau trong xã hội.
Trong số 15 thành viên của Chính phủ lúc bấy giờ, ngoài các thành viên thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương, còn có 2 thành viên thuộc Đảng Dân chủ là Dương Đức Hiền (Bộ trưởng Bộ Thanh niên) và Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục), cùng 4 thành viên khác không thuộc đảng phái nào.
Chính phủ Liên hiệp kháng chiến thành lập tháng 2-1946 gồm 10 bộ, thì có 2 bộ là quốc phòng và nội vụ do người không đảng phái nắm. Các bộ ngoại giao, kinh tế, xã hội, canh nông, do Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội (Việt Cách) nắm. Việt Minh và Đảng Dân chủ chỉ nắm 4 ghế bộ trưởng.
Hoàng đế Bảo Đại thoái vị và được mời làm cố vấn tối cao… Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I diễn ra vào ngày 2-3-1946, có 70 đại biểu không qua bầu cử đã được Quốc hội biểu quyết thành đại biểu chính thức. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam, nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang phú quý, đứng chung dưới bóng cờ của khối đại đoàn kết dân tộc.