Trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội, vốn xã hội (social capital) được xem là một trong những loại vốn cực kỳ quan trọng của một quốc gia. Đó là toàn bộ lòng tin hay sự tin cậy xã hội, các mạng lưới xã hội cũng như các giá trị và chuẩn mực xã hội mà mọi người cùng chia sẻ nhằm nâng cao chất lượng sống của mỗi người. Trong thời gian dịch bệnh và hậu dịch bệnh, khi các nguồn vốn vật chất hữu hình bị suy giảm thì vốn xã hội sẽ là phương tiện hữu hiệu để dựa vào đó mà mỗi cá nhân cũng như cộng đồng có thể nhanh chóng hồi phục. Bởi vì sự tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau là cách thức nhanh nhất và hiệu quả nhất để mỗi cá nhân có thể nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng, thậm chí là làm giảm bớt các thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Một nghiên cứu của tác giả Makridis và Wu công bố hồi đầu năm 2021 cho thấy, những khu vực có vốn xã hội cao thì có số ca mắc Covid-19 ít hơn 18% và số ca tử vong cũng ít hơn 5,7%.
Những ngày qua, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta đã chứng kiến được vai trò của vốn xã hội trong việc tương trợ những nhóm người khó khăn khi mà sự hỗ trợ chính thức từ chính quyền chưa đến kịp. Do đó, Nhà nước cần phải nhận ra được vai trò và sự hiệu quả của nguồn vốn xã hội trong các quyết sách sau này. Cần phải thiết kế một hành lang pháp lý cũng như xã hội thông thoáng, làm sao cho nguồn vốn xã hội phát huy hết khả năng của mình, bởi thời gian qua, chúng ta đã thấy người dân gần như tự mình làm mà không biết được làm như vậy là có hợp lý hay không...
Nhà nước kiến tạo chính là làm cho mọi nguồn vốn nói chung và vốn xã hội phát huy được tối đa hiệu năng của mình.