Theo các đại biểu, hơn 20 năm hoạt động cứu nước, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho dân tộc. Từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người đến lúc trở về cõi vĩnh hằng, trong lòng cụ vẫn mong mỏi dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc… Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XIX tuy thất bại, nhưng cống hiến của nhà yêu nước Phan Châu Trinh là vô cùng to lớn. Qua phong trào này đã chấn hưng được tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, nghĩa đồng bào và căm thù giặc Pháp; phát triển được nhiều ngành nghề mới, xây dựng nền giáo dục và văn hóa mới.
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy các giá trị tư tưởng canh tân, đổi mới của nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Nhất là tư tưởng về xây dựng ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.
Sáng cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng đại diện gia tộc cụ Phan Châu Trinh đã đến dâng hương tưởng niệm ông tại di tích lịch sử quốc gia Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh tại xã Tam Lộc (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Ngay sau Lễ dâng hương, các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án tu bổ, nâng cấp, mở rộng di tích Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.