Các ý kiến tại hội thảo đề cập đến giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam trong quá khứ và hiện nay; những yếu tố tác động đến gia đình hiện đại cũng như những tiêu chí, giải pháp xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
Đừng để gia đình thành “quán trọ”
PGS-TS Đỗ Ngọc Anh, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, cho rằng những thay đổi của xã hội theo xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến nhận thức, thái độ, hành vi từng thành viên trong gia đình, tất yếu sẽ dẫn đến những xu hướng phát triển gia đình phù hợp đời sống xã hội.
Theo bà, xã hội Việt Nam đang phát sinh nhiều loại hình gia đình như: gia đình hạt nhân; mô hình gia đình khuyết thiếu (cha, mẹ, con cái) ngày càng tăng; mô hình gia đình liên tộc người, xuyên quốc gia phổ biến; mô hình gia đình đồng tính vượt qua rào kỳ thị, văn hóa; gia đình không đăng ký kết hôn. Tất cả đã biến đổi một số chức năng của gia đình, thậm chí có những ảnh hưởng tiêu cực, hệ lụy đặt ra cho các cơ quan nhà nước, gia đình nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu và tìm ra giải pháp thấu đáo để đảm bảo đời sống gia đình phát triển bền vững.
Ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VH-TT TPHCM, cho biết công tác gia đình trên địa bàn TPHCM những năm qua đã được các ban ngành, đoàn thể quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh mặt đạt được vẫn còn những tồn tại cần giải quyết. Mặt trái cơ chế thị trường, lối sống thực dụng tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh. Sự phân hóa giàu nghèo tiếp tục tác động vào số đông gia đình. Nhiều gia đình nếu không được hỗ trợ, không chuẩn bị đầy đủ sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và không làm tròn các chức năng của mình. Xu thế thu nhỏ gia đình trong xã hội công nghiệp hiện đại nếu không được định hướng sẽ tiếp tục gây sức ép về nhà ở, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi.
“Gia đình càng tiện nghi, đầy đủ trong thời công nghệ 4.0 lại dễ dẫn đến các mối quan hệ ứng xử trong gia đình trở nên thiếu gắn kết. Cá biệt nhiều gia đình trở thành “quán trọ”, và đôi khi họ cũng không muốn về nhà - nơi thiếu hơi ấm gia đình. Đối với trẻ em, thanh thiếu niên thì áp lực từ việc học và thành tích gây ảnh hưởng đến tâm lý. Sự rủi ro trong đời sống xã hội như bị xâm hại tình dục, sức khỏe, sự thiếu quan tâm từ gia đình, nghiện game, nghiện ma túy, vấn nạn về bạo lực học đường. Cùng với sự phai nhạt tình cảm gia đình, các thiết chế xã hội từng bước thay thế vai trò của gia đình, và trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương”, ông Trần Thanh Vương nói.
Xây dựng mô hình văn hóa lành mạnh
Ông Trần Thanh Vương đề xuất một số giải pháp: Tiếp tục triển khai hiệu quả đề án “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TPHCM”, thực hiện thí điểm mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc và nhân rộng toàn thành phố…
Với đặc thù của TPHCM, cần nhân rộng các mô hình hiệu quả trong cộng đồng như: mô hình CLB Mẹ chồng - nàng dâu, CLB Ông bà cháu, mô hình Phòng chống bạo lực gia đình, mô hình Tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình bằng hình thức sân khấu hóa tại các trường học và khu dân cư...
Theo nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, toàn xã hội. Phải coi trọng các giải pháp, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác gia đình, xây dựng và triển khai chiến lược chương trình mục tiêu về phát triển gia đình. Cần quan tâm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ liên quan để giúp gia đình phát triển kinh tế theo định hướng phù hợp với xu thế và thực tiễn của thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nhận định hội thảo đã gợi mở nhiều giải pháp. Đồng chí nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân.
Đặc biệt, hỗ trợ các gia đình ổn định việc làm, giảm áp lực nhà ở, gia tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình ổn định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình; chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài tác động vào gia đình.
Ngoài ra, cần phát huy những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Phải xác định gia đình hạnh phúc là nền tảng quan trọng giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện đại. Cuối cùng phải phát huy vai trò gia đình - nhà trường - xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
“Sự biến đổi về cấu trúc, chức năng, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức sẽ diễn ra ngày càng sâu sắc theo hướng bảo vệ quyền con người, hòa nhập vào môi trường quốc tế thông qua giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa. Mô hình gia đình liên tộc người, xuyên quốc gia phát triển nhờ những thành tựu của khoa học công nghệ , truyền thông điện tử.
Nhà nước cần phát triển hệ thống dịch vụ có liên quan để củng cố phát triển kinh tế gia đình, dịch vụ hỗ trợ cho gia đình về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ trẻ em chăm sóc người cao tuổi, tư vấn pháp luật - tâm lý, dịch vụ tư vấn cho những người bị bạo lực gia đình; xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá tình hình thực hiện luật phòng, chống bạo lực gia đình; tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện, chăm sóc người cao tuổi”, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền nói.