Cách đây tròn 100 năm, tại Bạc Liêu, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã cho ra đời bản Dạ cổ hoài lang. Một thế kỷ qua, Dạ cổ hoài lang đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người, nhất là người dân Nam bộ. Tỉnh Bạc Liêu đang tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa của Dạ cổ hoài lang, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt để phục vụ du khách.
Về nơi ra đời bài tình ca Nam bộ bất hủ
Sau 100 năm, vùng đất sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang đang trở thành nơi “Hội tụ các miền Di sản” trong cả nước nhân dịp Tuần văn hóa - du lịch. Đó là di sản Cồng chiêng Tây Nguyên, di sản Dân ca Quan họ, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, di sản Hát Xoan, di sản Bài Chòi Trung bộ, Nghệ thuật Hát Chèo và Hát Xẩm. Và tất nhiên, trong không gian hội tụ các miền di sản này không thể thiếu Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Đến thăm Bạc Liêu những ngày này, bà Tô Hồng Mãi (ngụ tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Bản Dạ cổ hoài lang của bác Cao Văn Lầu thì tôi đã nghe nhiều. Tuy nhiên, đến chính cái nơi mà nó ra đời thì đây là lần đầu. Mình cũng là dân mê cải lương, thích nghe nhạc tài tử nên đến Bạc Liêu, được sống trong không gian của bài Dạ cổ hoài lang, được nghe đờn ca tài tử thì rất thú vị”.
Theo tư liệu, 100 năm trước, vào một đêm rằm trăng sáng tháng 8, tại làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay là Khu Lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, phường 2, TP Bạc Liêu), ông Cao Văn Lầu đã trình làng bản Dạ cổ hoài lang, nhịp đôi, 20 câu nói về nỗi niềm của người vợ mình (sau 3 năm chung sống không có con. Ba mẹ muốn ông trả bà về để lấy người khác). Với giai điệu và ca từ thổn thức, bản Dạ cổ hoài lang đã nhanh chóng đi vào lòng người và nhanh chóng lan tỏa. Cũng thật kỳ lạ, sau khi ông sáng tác bản Dạ cổ hoài lang thì vợ ông mang thai và gia đình không lâm vào cảnh chia ly. Mỗi một giai đoạn phát triển, bản Dạ cổ hoài lang lại tự hoàn thiện mình, không ngừng thâm nhập sâu rộng trong lòng khán giả và người hâm mộ. Bản Dạ cổ hoài lang dần được các danh ca, danh cầm phát triển và hoàn thiện: từ nhịp 2 đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và nhịp 64.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch (VHTT-TT-DL) tỉnh Bạc Liêu, thì qua 100 năm tồn tại, với sức mạnh nghệ thuật của mình, Dạ cổ hoài lang trở thành viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc dân tộc, với tư cách là làn điệu lớn nhất, là bài ca vua trong tất cả các bài bản cổ nhạc, góp phần thúc đẩy cho phong trào Đờn ca tài tử và Sân khấu cải lương. Dạ cổ hoài lang không chỉ góp phần làm vinh dự cho nền âm nhạc dân tộc mà nó còn góp phần tạo ra bản sắc Bạc Liêu, làm sâu sắc và bề thế thêm nền văn hóa Bạc Liêu.
Sản phẩm du lịch độc đáo
Mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Sở VHTT-TT-DL tỉnh Bạc Liêu tổ chức tọa đàm “Dạ cổ hoài lang - góc nhìn người làm báo” nhằm gợi mở, đóng góp những biện pháp để phát huy giá trị và tạo sự lan tỏa đối với bản Dạ cổ hoài lang.
Theo ông Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bản Dạ cổ hoài lang có một sứ mệnh đặc biệt, quyết định cho Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ phát triển rực rỡ, góp phần làm nên tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ. Bản Dạ cổ hoài lang cũng làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng cho tỉnh Bạc Liêu. “Những giá trị tinh thần của bản Dạ cổ hoài lang, đờn ca tài tử đã trở thành báu vật của quê hương Bạc Liêu và rộng hơn là của nhân loại. Bản thân tôi thấy rất vui khi Bạc Liêu xem văn hóa là động lực, là bước đi trong phát triển của tỉnh”, ông Nguyễn Bé chia sẻ. Nhà báo Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV NXB Trẻ, cũng cho rằng, bản Dạ cổ hoài lang là một bản tình ca bất hủ. Vì vậy, những ai thừa hưởng tài sản vô giá này, từ nghệ sĩ đến nhà báo, từ người làm nghệ thuật đến cán bộ quản lý văn hóa, là phải làm sao cho Dạ cổ hoài lang, sân khấu cải lương và Đờn ca tài tử tiếp tục sức sống mãi mãi ấy trong thời đại mới với internet, thiết bị di động, mạng xã hội Facebook, YouTube…
Bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, những năm qua, tỉnh đã tiến hành nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc Dạ cổ hoài lang như: sưu tầm các bài gốc của bản Dạ cổ hoài lang, tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo, các cuộc thi... để truyền lửa cho các thế hệ trẻ. Qua đó tôn vinh, quảng bá bản Dạ cổ hoài lang đến du khách trong nước và quốc tế. Bà Sang cũng cho biết, Bạc Liêu đang tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa của Dạ cổ hoài lang, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt để phục vụ du khách đến Bạc Liêu.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh ngày 22-12-1890 tại xã Thuận Mỹ (huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Năm 9 tuổi, ông theo gia đình đi lập nghiệp ở Bạc Liêu. Ông mất ngày 13-8-1976. Bản Dạ cổ hoài lang có nhiều dị bản (do nhiều lần chỉnh sửa). Vì vậy, tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần tổ chức hội thảo để xác định văn bản chuẩn của Dạ cổ hoài lang. Sau khi tổ chức hội thảo với nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, soạn giả tham gia... ngày 17-9-2010, UBND tỉnh Bạc Liêu chính thức công bố bản Dạ cổ hoài lang chuẩn gồm 20 câu (phần lời và nhạc). |