Phát huy giá trị di sản đình chùa ở TPHCM: Tạo đà khai thác du lịch địa phương

Trong tiến trình lịch sử, sự cộng cư, giao thoa và tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc đã tạo nên TPHCM ngày nay một diện mạo văn hóa vừa đa dạng vừa mang tính truyền thống, đậm đà bản sắc của cả hệ thống di sản văn hóa phong phú; trong đó có đình - chùa, nơi lưu giữ và bảo tồn các dấu ấn của quá trình khai phá vùng đất mới phương Nam…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Nhưng liệu các thiết chế văn hóa tín ngưỡng và di sản bản địa này có trở thành tài nguyên để khai thác du lịch văn hóa của địa phương, hay dần nhạt nhòa trong lòng phố thị trước tốc độ đô thị hóa?

Đình - chùa cổ đang xuống cấp nghiêm trọng

Trên địa bàn thành phố hiện nay có 4 chùa và 5 đình cổ có tuổi đời trên 100 năm. Có thể kể đến đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp) được xây dựng khoảng năm 1679, đình Bình Hòa (quận Bình Thạnh) xây dựng khoảng trước năm 1818, đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) được xây dựng năm 1818, đình Chí Hòa (quận 10) và Trường Thọ (TP Thủ Đức) được lập vào khoảng cuối thế kỷ 19.

Đây là những ngôi đình được xếp vào hàng di tích văn hóa cấp thành phố và cấp quốc gia, lưu dấu thời kỳ hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM. Và các chùa cổ như: Giác Lâm (quận Tân Bình), Giác Viên (quận 11), Phước Tường (TP Thủ Đức), Phụng Sơn (quận Gò Vấp).

CN1 chu de 2.jpg
Lễ Khai hạ - Cầu an tại Lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) là nét sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa đẹp của người dân TPHCM và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2022. Ảnh: HIẾU VĂN NGƯ

PGS-TS Cung Dương Hằng (Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM), cho biết: “Các chùa cổ trên địa bàn thành phố đã được trùng tu nhiều lần nên không còn giữ được nguyên kiến trúc ban đầu. Khung cảnh các chùa cổ cũng không còn được như xưa, có một số chùa trước kia được xây dựng ở trên đồi bên cạnh dòng nước, xa các nơi thị tứ thì bây giờ đã nằm lọt vào khu dân cư đông đúc hoặc bị lấn chiếm bừa bãi làm mất cả sự tôn nghiêm của chốn thiền môn. Các đình cổ tại thành phố, phần lớn đang đối mặt với vấn đề bị xuống cấp nghiêm trọng và cần được trùng tu, cải tạo”.

Thống kê từ Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030” cho thấy, TPHCM với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh nhất nước nhưng vẫn còn giữ nguyên gần 300 ngôi đình, đền, hàng chục lăng... Tuy nhiên, thực tế ghi nhận, nhiều đình - chùa cổ tại thành phố hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, TPHCM nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, theo thời gian, các công trình kiến trúc cổ làm bằng gỗ, ngói bị ảnh hưởng và hư hại nặng nề.

PSG-TS Cung Dương Hằng phân tích: “Mặc dù các công trình đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, nhưng do các lý do chủ quan và khách quan, các công trình kiến trúc cổ vốn làm bằng gỗ nên bị mối mọt nghiêm trọng, mái ngói âm dương sau nhiều năm trở nên hư hỏng, nước mưa cứ thế theo cột chảy xuống làm hư rất nhiều rui, mè, kèo... ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống nghi trượng - nghi vật trong đình, chùa cổ.

Có thể thấy được sự hư hại rõ ràng tại các công trình như đình Thông Tây Hội, hay chùa Phước Tường. Trong đó, đình Thông Tây Hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Đình là di tích kiến trúc nghệ thuật, văn hóa lịch sử cấp quốc gia với độ tuổi 317 năm, là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của cả miền đất phương Nam còn tồn tại. Một số mái ngói bị vỡ, trời mưa dột tứ bề.

Chưa kể mặt đường bên ngoài được nâng quá cao nên phần nền khu nhà hội sở lọt thỏm bên dưới rất dễ bị ngập nước. Toàn bộ các hiện vật thờ cúng nằm trong khu vực này đều phải di dời để tránh hư hỏng và mất cắp. Khu vực hội sở thờ tiên sư, nhà tiền hiền, hậu hiền, nhiều cột, vách gỗ bị mối mọt đục rỗng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào”…

Đâu là giải pháp bảo tồn và phát huy...

Trong xu hướng phát triển hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, du lịch văn hóa được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác, phát huy vốn văn hóa không chỉ vì mục tiêu phát triển du lịch, lợi ích kinh tế mà còn giữ gìn, quảng bá giá trị văn hóa, con người của mỗi quốc gia, vùng đất đến bạn bè quốc tế.

Tại nhiều hội thảo, tọa đàm đi tìm giải pháp để phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch văn hóa theo từng địa phương ở TPHCM, nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận, di sản văn hóa được bảo tồn phục vụ phát triển du lịch sẽ tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của thành phố.

Để làm được điều này, trước hết cần thúc đẩy góc nhìn từ phía người dân địa phương, cộng đồng dân cư tại nơi có di sản nhận thức rõ hơn về giá trị của di sản, lòng tự hào về truyền thống, vẻ đẹp của quê hương, đất nước, về ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản… UNESCO đã từng có khuyến cáo, nếu bảo tồn di sản mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng, thì việc bảo tồn sẽ không bền vững. Thực tế, nhiều ngôi đình cổ tại TPHCM mang giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc tuy nhiên sinh hoạt tín ngưỡng chỉ “xuân thu nhị kỳ”.

ThS Nguyễn Hạnh Quyển (Học viện Chính trị Khu vực II) chia sẻ: “Hiện nay, không nhiều bạn trẻ yêu thích, đam mê với những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, như: đờn ca tài tử, ca trù, nghi thức trong các lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng đình, chùa... Điều này làm cho một số di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; tính sáng tạo, lan tỏa giá trị của di sản trong cộng đồng bị hạn chế”.

CN3 tieu diem.jpg
Hát bội tại đình Phú Nhuận trong mỗi dịp lễ Kỳ yên được duy trì, góp phần giữ gìn và lan tỏa nét văn hóa độc đáo của đình làng Nam bộ. Ảnh: DƯƠNG NGUYỄN

Trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều di tích chưa được kiểm kê, xếp hạng nhưng có tiềm năng khai thác vốn văn hóa rất lớn như: Khu lăng mộ Trương Vĩnh Ký (quận 5); hệ thống các nhà thờ dòng họ, bảo tàng/nhà truyền thống tư nhân, trường học, doanh nghiệp, hệ thống cây xanh, cây cổ thụ xếp hạng cây Di sản Việt Nam... Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ chưa quy định rõ vai trò của cộng đồng trong việc tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong khi cộng đồng chính là chủ thể nắm giữ di sản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy.

“Sự quản lý không chặt chẽ khiến hệ thống đình - chùa cổ thiệt hại rất nhiều, có đình, chùa bị hỏa hoạn, kèo cột ngói bị tháo gỡ, cổ vật, sắc phong, lư hương... lần lượt biến mất, là nguyên nhân làm cho hệ thống nghi trượng, nghi vật trong đình - chùa cổ nghèo nàn dần, như chùa Hội Sơn ở đường Nguyễn Xiển (TP Thủ Đức). Đây là một ngôi chùa cổ 300 năm tuổi, được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1993 nhưng đã bị cháy vào năm 2012”, PGS-TS Cung Dương Hằng cho biết thêm.

TS Nguyễn Tri Phương (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Cần những cuộc vận động người dân sống trong vùng di sản tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động góp phần chăm sóc di sản, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch góp phần nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng; bảo đảm hài hòa lợi ích mang lại từ phát triển du lịch văn hóa cho cả người dân tham gia ở địa phương. Với những di tích trong một cộng đồng nhỏ như đình làng, khi được phát huy đã tạo nên sự cộng cảm, cố kết cộng đồng làng xóm qua những hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng chung như thờ cúng, hội hè… Di sản văn hóa ở TPHCM là một nguồn lực quan trọng trong quá trình khai thác du lịch, để du khách nước ngoài đến tham quan thành phố nghiên cứu, trải nghiệm từ các di sản vật thể đến phi vật thể. Qua đó, họ hiểu thêm các giá trị truyền thống của thành phố, đồng thời giúp họ có niềm tin trong việc chọn TPHCM làm điểm đến, điểm đầu tư đáng tin cậy”.

Có thể thấy di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống là tài nguyên để khai thác và phát triển du lịch, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. TPHCM là đô thị năng động, tiếp xúc và đón nhận nhiều làn sóng văn hóa bên ngoài nhất, nhì trên cả nước, chăm lo bảo tồn và phát huy giá di sản chính là cái gốc để chúng ta hội nhập mạnh mẽ vào các khu vực trên thế giới mà không bị hòa tan, đánh mất bản sắc riêng độc đáo của chính mình.

Tin cùng chuyên mục