Tại hội thảo, các đại biểu xác định Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Từ các mục tiêu, định hướng chung, các địa phương trên cả nước đã cụ thể hóa thành những nghị quyết, chương trình hành động riêng cho địa phương.
Tại vùng Đông Nam bộ, việc triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn liền với thực tiễn địa phương.
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Giảng viên cao cấp Trường Đại học KHXH&NV, nhìn nhận: “Để biến những mục tiêu lớn về kinh tế - xã hội thành hiện thực, TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ cần xác định rõ hơn những định hướng giải pháp sát hợp với thực tiễn để hiện thực hóa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới ngay trên từng địa phương, trong đó cần chú trọng xây dựng con người và đào tạo nguồn nhân lực”.
Con người luôn là yếu tố trung tâm mang tính quyết định để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển đất nước.
TS Vũ Thị Mai Oanh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, nhìn nhận: “Văn hóa ở TPHCM khá đa dạng, đan xen và hội tụ nhiều sắc màu dân tộc, tôn giáo và con người mang chất điển hình Nam bộ. Những giá trị truyền thống người Sài Gòn xưa đang được tiếp nối và phát huy, sống trong đô thị hiện đại nhưng người dân TPHCM vẫn đang giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa xưa, tính cách con người của một thời khai hoang mở cõi vẫn vẹn nguyên, bền bỉ chuyển giao đến lớp con cháu hôm nay”.
Đồng quan điểm trong việc xây dựng con người trong thời kỳ mới thích ứng nhanh với sự phát triển nhưng phải giữ gìn những đức tính tốt đẹp vốn có từ ngàn xưa, bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, chia sẻ: “Con người hay cư dân Bình Dương hiện nay là tổng hòa của văn hóa - con người cả nước, của cư dân cố cựu truyền thống Đông Nam bộ và các vùng miền. Trọng tâm của thực hiện hệ giá trị ở Bình Dương bao gồm xây dựng con người Bình Dương có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa Bình Dương lành mạnh, cả môi trường văn hóa thực và môi trường văn hóa số”.
Trao đổi về việc chú trọng xây dựng chuẩn mực con người trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn địa phương, ông Phạm Tấn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết: “Đồng Nai là một trong những địa bàn phát triển kinh tế năng động ở phía Nam. Quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đồng Nai đã tiếp tục biến địa bàn này thành vùng đất mở thu hút các nguồn nhân lực đến sinh sống, làm việc. Sự cộng cư nhiều thành phần dân tộc qua quá trình phát triển đã làm cho sắc thái về tộc người và văn hóa của vùng đất này thêm đa dạng.
Hiện nay, các cấp lãnh đạo cùng nhân dân tỉnh đã và đang tập trung xây dựng, phát triển văn hóa, con người Đồng Nai với các đặc trưng nhân văn, sáng tạo, khoa học, dân chủ, phong phú, đa dạng, kết hợp chặt chẽ truyền thống mang đậm bản sắc của địa phương với những giá trị, chuẩn mực hiện đại, hướng đến tương lai; hài hòa nhiệm vụ xây dựng văn hóa với xây dựng con người trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, ghi nhận, trân trọng ý kiến đóng góp, tham luận của các đồng chí đến từ các cơ quan Trung ương, các địa phương cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa… Hội thảo tiếp tục khẳng định tính cấp thiết và đề xuất nhiều giải pháp để triển khai gắn với thực tiễn, bằng nhiều phương pháp, cách thức. Chúng ta tiếp tục thực hiện đúng theo tinh thần và quan điểm chỉ đạo của Đảng: văn hóa phải song hành kinh tế. Hội thảo là cơ hội để có thêm những thông tin, những giá trị, những hiểu biết để nâng cao nhận thức, củng cố thêm lòng tin về phát triển văn hóa, xây dựng con người trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh đang tập trung thực hiện các đề án, chiến lược có liên quan đến văn hóa. Chúng ta sẽ chọn lọc để vận dụng triển khai trong điều kiện thực tiễn của từng nơi, từng địa phương cụ thể.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "TPHCM là thành phố nghĩa tình, bao dung, nói lời hay, làm việc tốt, tôn trọng và tôn vinh những giá trị, những tấm gương thầm lặng mà cao cả trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp sẵn có, thành phố cần tăng cường quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực để phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa truyền thống; có kế hoạch để xây dựng, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, phát huy tinh thần sáng tạo, lấy chuẩn mực đạo đức làm gốc để quy tụ, định hướng dư luận, lan toả giá trị nhân văn tốt đẹp vào đời sống. Bên cạnh đó, cần tích cực lên án, phê phán những cái xấu, lấy cái đẹp dẹp cái xấu như Bác Hồ từng lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".