Phát huy di sản nhưng không gây bất lợi cho dân

Mỗi quốc gia đều xây dựng cho riêng mình một thương hiệu, thương hiệu đó là hình ảnh và dấu ấn của quốc gia được cộng đồng trong và ngoài nước ghi nhận.

Đó còn gọi là sức mạnh mềm. Khi sức mạnh mềm của quốc gia được lan tỏa ra cộng đồng quốc tế thì càng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, chính trị và xã hội cho quốc gia đó. Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo với bề dày lịch sử trên 4.000 năm. Giá trị về sức mạnh mềm đó ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm và nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra khi thảo luận về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Di sản văn hóa gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu. Đây là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Điều mà nhiều ĐBQH đều mong muốn là câu chuyện này không chỉ dừng ở vấn đề bảo tồn, gìn giữ mà quan trọng làm sao để có thể đưa những giá trị di sản văn hóa vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, trong khi vẫn phục vụ một cách tốt nhất cho đời sống tinh thần của người dân.

Mới đây, Báo SGGP cũng đã có loạt bài 5 kỳ “Phát triển văn hóa - Khơi nguồn di sản trong thời đại số”. Cũng như loạt bài mà Báo SGGP đặt ra, ý kiến thảo luận của nhiều ĐBQH cũng trăn trở: Mức độ khai thác giá trị đến đâu là hợp lý để vừa bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản, nâng tầm giá trị văn hóa, khoa học và lịch sử của di sản, đồng thời tăng nguồn thu từ hoạt động di sản. Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện dự thảo luật, việc đặt ra các nguyên tắc hay các quy định liên quan đến phát huy di sản phải là cơ sở chính để Chính phủ, Bộ VH-TT-DL ban hành các văn bản triển khai thực hiện luật khi ra đời.

Bảo vệ và phát huy giá trị các di tích văn hóa là rất quan trọng và cần phải được quản lý một cách chặt chẽ. Chặt chẽ nhưng cũng không để bất lợi cho người dân và cơ quan quản lý các cấp đối với di tích… Đó chính là một trong những mong mỏi mà người dân trông đợi ở sửa đổi luật lần này.

Tin cùng chuyên mục