Tọa đàm khoa học nhằm nhìn nhận, đánh giá cụ thể hơn về tình hình, thực trạng, vai trò và tầm quan trọng của các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 - 1860) tại TP Đà Nẵng.
Tọa đàm thu hút 14 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, tập trung chủ yếu vào 4 nội dung chính: Từ vị trí chiến lược của Đà Nẵng, nhận thức về phòng thủ của triều Nguyễn và nguy cơ từ phương Tây; Các nghiên cứu mới về hệ thống phòng thủ ven biển thời Nguyễn ở Đà Nẵng - Những bài học về phòng thủ thành phố trong giai đoạn hiện nay; Giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường qua di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ; Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan chiến tranh Mậu Ngọ gắn với phát triển du lịch trong môi trường đô thị hiện đại và bền vững của TP Đà Nẵng.
Quang cảnh tọa đàm |
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Phạm Tấn Xử cho biết, cuộc chiến tranh vệ quốc tại Đà Nẵng xứng đáng là biểu tượng sáng ngời cho tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu đầy quả cảm của dân tộc Việt Nam trước sự đe dọa và tấn công của một trong những liên minh tư bản thực dân mạnh nhất lúc bấy giờ gồm Pháp - Tây Ban Nha.
Tại TP Đà Nẵng hiện nay, hệ thống các di tích liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 – 1860) đã có 5 di tích được xếp hạng và 1 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Trong đó, Thành Điện Hải, nơi được lựa chọn để tổ chức buổi tọa đàm được xếp hạng là “Di tích quốc gia đặc biệt”.
Các di tích cấp quốc gia gồm có: Nghĩa trủng Phước Ninh (phường Nam Dương, quận Hải Châu), nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), Hải Vân Quan (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).
Di tích cấp thành phố là Nghĩa trủng Nam Ô nằm trong cụm di tích Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) và Di tích đăng ký trong danh mục kiểm kê là Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).
Các di sản gắn liền với cuộc chiến tranh Mậu Ngọ phần lớn là những công trình phòng thủ được Triều đình nhà Nguyễn xây dựng tại Đà Nẵng vào thế kỷ XIX. Nơi đây không chỉ diễn ra nhiều trận đụng độ ác liệt giữa quân và dân ta với liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong các năm từ 1858 đến 1860; mà còn là nơi yên nghỉ của các nghĩa sĩ đã vị quốc vong thân vì chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Trải qua hàng trăm năm với nhiều biến cố lịch sử và thời tiết khắc nghiệt, nhiều công trình đã bị hủy hoại hoàn toàn hoặc hư hại nghiêm trọng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm |
Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra phương hướng, giải pháp khoa học để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản trong tương lai. Đặc biệt, việc trùng tu các di sản phải luôn đảm bảo yếu tố gốc, giữ nguyên giá trị văn hóa lịch sử vốn có của từng di sản.
Vừa qua, Thành Đoàn Đà Nẵng cũng đã số hóa nhiều di sản, di tích trên địa bàn thành những "địa chỉ đỏ", trong đó có Thành Điện Hải và một số di tích khác liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ.