Vận dụng chất liệu dân gian dân tộc
Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, ngày nay rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ khi sáng tác tác phẩm, ca khúc đã bỏ quên vốn chất liệu rất quan trọng, đó là chất liệu âm nhạc dân gian. Thực tế đã minh chứng, người sáng tạo biết cách khéo léo đưa những giai điệu hò, vè, lý, dân ca, những thang âm, điệu thức âm nhạc truyền thống vào các tác phẩm mới sẽ luôn tạo cho người nghe thiện cảm vô hình. Bởi những tinh túy vốn có của nghệ thuật và sự sáng tạo đều nằm trong chất liệu sáng tác mà ông bà xưa đã để lại.
Nhạc sĩ Khánh Vinh - người có nhiều tác phẩm âm nhạc, ca khúc mang âm hưởng dân ca, chia sẻ: “Trong quá trình viết, bài nào tôi vận dụng được ít nhiều chất liệu dân ca thì bài đó thường được nhiều người yêu thích. Chính vốn quý của ông bà đã giúp cho các sáng tác có sức nặng, chất lượng và được đón nhận nhiều hơn. Ngoài ra, tôi cũng tự học và tích lũy thêm kinh nghiệm từ các bậc tiền bối như nghệ sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Tý, Lư Nhất Vũ… trong việc vận dụng chất liệu dân gian, dân tộc vào tác phẩm. Tôi cũng lấy các điệu thức để đưa vào sáng tác mới.
Nhạc sĩ Phan Long thì khẳng định: “Sáng tác là phải có cá tính, không thể lẫn với ai, đồng thời phải có sự phổ cập để người nghe thích. Hiện nay, thị trường nhạc Việt có nhiều ca khúc quá nhí nhố, nhiều ca khúc nghe như của Hàn Quốc, Mỹ. Trong sáng tác, nhất thiết người viết phải biết tìm kiếm và bám chắc những chất liệu âm nhạc dân gian dân tộc để sáng tạo theo phong cách riêng của mình”.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh thêm: “Điều quan trọng của một tác phẩm chính là giai điệu âm nhạc và ca từ. Ca từ phải mang thông điệp nhẹ nhàng, ngắn gọn, súc tích, dễ thương, rõ lời, sẽ giúp người nghe hiểu nội dung tác phẩm, giúp tác phẩm tồn tại lâu dài trong lòng khán giả. Khi viết trên tiết tấu nước ngoài thì ca từ cũng phải dễ hiểu, ra nét Việt Nam”.
Nhạc sĩ trẻ Bảo Huy thì góp ý thêm là khi sáng tác các nhạc sĩ nên khai thác nhạc cụ thật trong bản hòa âm để làm bật lên chất liệu nhạc dân tộc trong tác phẩm, vì nhạc cụ thật luôn tạo hiệu quả cao, không nên sử dụng nhạc cụ điện tử thay thế.
Vai trò đội ngũ lý luận phê bình âm nhạc
Theo các đại biểu, buổi hội thảo “Bản sắc dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc hiện nay” thật ý nghĩa đối với những người làm nghề, đồng thời nó cũng mở đầu cho chuỗi hoạt động chuyên môn về âm nhạc. Dẫu chủ đề hội thảo không mới, song vì tình hình hoạt động, sáng tác, biểu diễn của lĩnh vực âm nhạc luôn có nhiều bất cập, tồn tại không ít khiếm khuyết, nên đây là dịp để những người làm nghề thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến vào thực tiễn, để có những phát biểu, nhận định, đánh giá, tranh luận và kiến nghị với hội chuyên ngành.
Việc tổ chức buổi hội thảo như một ngọn lửa góp phần hâm nóng lại tinh thần làm việc của đội ngũ lý luận phê bình âm nhạc tại TPHCM - vốn ít và hiếm. Trên hết, các tham luận đã đưa ra được những ý kiến đa chiều, tiếp cận những vấn đề về văn hóa dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật ở các góc độ khác nhau, như bản sắc dân tộc trong ca khúc, trong âm nhạc kinh viện, giao hưởng, trong đời sống âm nhạc dân tộc; vấn đề đào tạo và giáo dục âm nhạc dân tộc, kinh nghiệm sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân gian dân tộc và sử dụng các làn điệu dân ca Việt Nam…
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc TPHCM, cho biết: “Hội thảo hôm nay là tiền đề để thời gian tới Hội Âm nhạc TPHCM tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo đi sâu vào hoạt động chuyên môn, chuyên ngành theo từng chủ đề như nhạc thị trường, nhạc truyền thống, nhạc thiếu nhi… để lấy ý kiến xác thực từ các nhà lý luận phê bình, nhạc sĩ, ca sĩ. Qua hội thảo lần này, ban tổ chức đã tiếp nhận và tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp đắt giá. Trên cơ sở đó, ban chấp hành hội sẽ có những định hướng để phát huy chất lượng hoạt động tốt hơn theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2020”.
Âm nhạc là một trong những ngôn ngữ của một dân tộc. Thế giới luôn biến đổi và phát triển, âm nhạc cũng cần được phát triển cho phù hợp. Tuy nhiên, theo hầu hết các đại biểu, điều quan trọng là làm sao tiếp thu tinh hoa của thế giới để cho âm nhạc dân tộc ngày càng phong phú hơn, hay hơn, nhưng tuyệt đối không được làm mất đi bản sắc dân tộc độc đáo của mình. Mặt khác, là một trong những thành phố lớn nhất nhì cả nước, TPHCM cần quan tâm nhiều hơn đến hoạt động và sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Khẩn thiết phải có sự hỗ trợ và đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ làm nghề chuyên ngành, chuyên nghiệp, tập trung nâng cao chất lượng biểu diễn, phát huy hoạt động quảng bá, bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc trong thời đại mới.