Phát huy cao nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước

Ngày 14-2, tại trụ sở Chính phủ, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, chủ trì hội nghị. 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, mọi người dân. Thủ tướng yêu cầu việc tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời giải quyết được các vấn đề có tính chất cụ thể, ngắn hạn trong từng giai đoạn, giải phóng tối đa, khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. 

Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên tắc rất cơ bản là việc sửa đổi Luật Đất đai bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan; phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Việc điều chỉnh các quan hệ đất đai phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường. Các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai theo hướng ai làm tốt hơn thì giao nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và đội ngũ cán bộ, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…

Với những vướng mắc về thể chế, cần nêu rõ vướng mắc ở đâu, chủ thể nào, đối tượng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi đưa ra chính sách mới cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động hết sức chặt chẽ, toàn diện, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống, thực hiện có hiệu quả.

Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề như phân định rõ hơn vai trò của Nhà nước khi đại diện chủ sở hữu và khi thực hiện vai trò quản lý nhà nước. Quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, đột phá, ổn định nhưng linh hoạt, mang tính tổng thể, toàn diện, liên thông. Việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước…

Thủ tướng yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo tổ biên tập và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến của các thành viên ban chỉ đạo, các ban, bộ ngành, cơ quan trung ương và các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, chắt lọc, thống nhất để hoàn thiện các báo cáo, dự thảo, trình cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Tin cùng chuyên mục