Kịch bản này được nhìn nhận là khả thi khi tăng trưởng kinh tế 9 tháng chỉ đạt 4,24% và khó có thể đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5%). Nhưng, để tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6%, theo Bộ KH-ĐT, kinh tế quý 4 phải tăng trưởng 10,6%.
Trong 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đầu tư đang có nhiều điểm sáng so với những năm trước. Tính đến ngày 30-9, giải ngân vốn đầu tư công khoảng 363.310 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng giao. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm nay đã cao hơn 4,68 điểm phần trăm. Kết quả này là tích cực khi giải ngân 9 tháng của nhiều năm, tỷ lệ không vượt qua 50%. Vì vậy, các con số nêu trên mang đến nhiều triển vọng về giải ngân những tháng cuối năm.
Về xuất khẩu, tháng 9, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,53 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Về tiêu dùng, đây là động lực đang đối mặt nhiều khó khăn. Để kích cầu tiêu dùng, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh việc sử dụng công cụ lãi suất đã gần đến điểm giới hạn.
Theo PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), trong thời kỳ khó khăn cần tăng cường chi tiêu và giảm thuế nhưng cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trong thời kỳ thuận lợi khi. Điều này thuận lợi trong bối cảnh quy mô nợ công đã giảm đáng kể xuống khoảng 40% GDP, cách xa ngưỡng trần 60% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp không quá cao và lãi suất vay nợ trái phiếu thấp, chủ yếu kỳ hạn dài (10 năm trở lên).
Trong đó, chính sách tài khóa tiếp tục hướng vào thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia; ưu tiên nguồn lực để thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, xây dựng bổ sung trường học công, vừa đáp ứng được nhu cầu thực tế vừa là giải pháp cần thiết để khơi thông thị trường bất động sản và các lĩnh vực liên quan.
Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chuẩn bị sẵn sàng trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm sút và nhiều doanh nghiệp sa thải lao động, theo PGS-TS Phạm Thế Anh, ngân sách có thể trợ cấp cho hộ nghèo và người bị mất việc, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng thiết yếu nội địa, cho vay trả lương để doanh nghiệp giữ chân người lao động, và giảm bớt gánh nặng thuế thu nhập cá nhân…
Chính phủ cũng vừa giao Bộ Tài chính xây dựng đề xuất trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 nếu tình hình kinh tế, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Thuế GTGT có đặc điểm quan trọng là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên khi giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi.
Bên cạnh các giải pháp kích cầu đầu tư, xuất khẩu thì kích thích tiêu dùng là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong các tháng cuối năm 2023. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại. Chính vì vậy, những biện pháp tài khóa kể trên nếu được triển khai sẽ mang đến nhiều ưu điểm khi kết hợp được mục tiêu an sinh xã hội với kích cầu, vừa thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn lại cải thiện được tổng cung tiềm năng, mang lại sự phát triển bền vững của nền kinh tế.