(SGGPO).- Tại khu vực trang trại của ông Cao Nhân, ở xóm Trại, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (cách trung tâm thị xã Kỳ Anh khoảng 15km, cách khu công nghiệp Formosa khoảng 3km và cách quốc lộ 1A khoảng 1km) từ cuối năm 2013 đến nay tập kết, chất đống ngổn ngang hàng chục tấn rác thải các loại, như: xỉ bê tông, gạch đá, gỗ, bao bì, nhựa, sắt thép, hộp, dây điện, vôi vữa, bùn đất có màu đen… Đặc biệt, có nhiều vỏ thùng phuy bằng kim loại và thùng nhựa với nhiều kích cỡ khác nhau, có in chữ nước ngoài, chữ FHS (viết tắt của Công ty Formosa Hà Tĩnh).
Ông Cao Nhân, chủ trang trại này cho biết: Trang trại có diện tích khoảng 16ha, chủ yếu là trồng tràm, chăn nuôi trâu, bò... Khoảng cuối năm 2013, có một người nói tiếng nước ngoài đi cùng một người làm phiên dịch tới đây quan sát rồi gặp và xin phép đổ rác thải vào khu vực trang trại của tôi. Ban đầu họ chỉ nói là rác thải sinh hoạt bình thường và tôi cũng thấy trong rác thải có nhiều thứ tận dụng được nên đã đồng ý cho đổ. Sau đó tôi lựa gỗ trong rác thải làm củi đun, lấy một số thùng phuy về rửa sạch để đựng đồ. Hiện tại tôi không biết chính xác khối lượng rác thải họ đổ vào trang trại là bao nhiêu. Nhưng trước đó, mỗi ngày họ cho vài ba xe đến đổ. Cũng có nhiều người dân vào nhặt củi, xong tôi bảo họ đốt cho sạch sẽ. Tôi không hề biết những thùng phuy và rác thải đó có độc hại hay không…
Rác thải tại trang trại của ông Cao Nhân
Ông Nguyễn Văn Hảo, Chủ tịch UBND phường Kỳ Long, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thị xã Kỳ Anh, chính quyền phường đã tiến hành rà soát lại những bãi rác thải trên địa bàn. Qua đó đã có báo cáo cụ thể lên UBND thị xã Kỳ Anh. Trong báo cáo phường cũng có nêu bãi rác thải trong trang trại ông Cao Nhân. Bãi rác này đã được đổ từ trước năm 2015. Chiều 18-7, cán bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã cũng đã vào kiểm tra.
Chiều 19-7, một lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: Bước đầu xác định số rác thải đổ tại trang trại ông Cao Nhân ở phường Kỳ Long nói trên được chở từ Formosa Hà Tĩnh, trong đó có khoảng 13 tấn phế thải xây dựng gồm hộp gỗ, sắt thép, thùng sơn... Riêng đống đất đá màu đen nghi chất thải thực chất là 10 tấn vật liệu xây dựng công trình. Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện tại trên địa bàn thị xã Kỳ Anh có 11 điểm đổ rác thải trái phép, trong đó có 3 điểm đổ rác phế thải công nghiệp, sắt thép có nguồn gốc từ Formosa Hà Tĩnh (2 điểm ở phường Kỳ Trinh, 1 điểm ở phường Kỳ Long). Ở các điểm này, nơi nhiều nhất chứa khoảng 100 tấn, nơi ít nhất khoảng 7-8 tấn…
DƯƠNG QUANG