Tầm soát cộng đồng theo trọng tâm, trọng điểm
Theo đó, Sở Y tế đề xuất các đơn vị khẩn trương khống chế các ổ dịch trong cộng đồng, tăng cường phát hiện sớm và tiến hành xử lý triệt để nguồn bệnh ẩn, hạn chế lây lan trong cộng đồng; tăng cường tốc độ và chất lượng truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực nguy cơ cao để tìm kiếm nguồn lây; tầm soát cộng đồng theo trọng tâm, trọng điểm (khu vực nguy cơ cao, khu vực có nguy cơ) bằng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình. Lặp lại xét nghiệm tầm soát để tiếp tục loại bỏ nguồn lây lan trong cộng đồng. Việc lấy mẫu phải đảm bảo giãn cách và 5K.
Bên cạnh đó, mở rộng các khu cách ly tập trung đạt công suất 40.000 – 50.000 giường, tổ chức cách ly y tế nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly và lây nhiễm ra cộng đồng.
Tiếp tục duy trì hoạt động các cơ sở cách ly tập trung đã được thành lập tại các trường học và các cơ sở khác để thực hiện (tổ chức cách ly tạm thời và điều tra dịch tễ các trường hợp F1 của địa phương trong thời gian chờ chuyển đến các cơ sở cách ly đủ điều kiện của TP; tổ chức cách ly tạm thời ở khu vực riêng cho các trường hợp F1 đã có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với SARS-CoV-2, trong khi chờ thực hiện xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán Covid-19, điều tra dịch tễ trước khi chuyển đi các bệnh viện điều trị Covid-19.
HCDC phối hợp Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (KCX-KCN), Ban Quản lý khu công nghệ cao (KCNC), Công viên Phát triển phần mềm Quang Trung hướng dẫn trung tâm y tế và các công ty phát triển hạ tầng KCX-KCN thiết lập khu cách ly riêng cho đối tượng F1 của các KCN, KCNC…
Các khu cách ly tập trung của quận, huyện cũng như khu cách ly tạm thời của KNC bố trí sẵn sàng khu vực cách ly riêng cho trường hợp người cách ly có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian chờ điều tra dịch tễ và làm xét nghiệm RT-PCR để chuyển đến bệnh viện điều trị.
Quản lý chặt cách ly F1 tại nhà
Theo Sở Y tế, tại những vùng lõi của khu vực phong tỏa nơi phát hiện nhiều trường hợp F0, tùy tình hình thực tiễn của địa phương, có thể tổ chức cách ly tại nhà đối với trường hợp F1 nhưng địa phương phải quản lý chặt người cách ly không ra khỏi nhà, đảm bảo không gây lây nhiễm cho cộng đồng (trường hợp địa phương không quản lý hết được việc cách ly tại nhà thì phải tăng cường cơ sở cách ly tập trung tại mỗi quận, huyện).
Trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế và điều kiện thực tiễn của địa phương, trung tâm y tế phối hợp phòng y tế thẩm định điều kiện và tham mưu Ủy ban nhân dân địa phương quyết định tổ chức cách ly tại nhà đối với trường hợp F1 đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch.
Cách ly tập trung 14 ngày, sau đó cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày tiếp theo. Xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn cho đối tượng F1 vào ngày thứ 1, 7, 14, 21 và 28. Xét nghiệm cho người cách ly tập trung ngày thứ 14 phải có kết quả trong ngày để chuyển người được cách ly về cách ly tại nhà vào ngày thứ 15.
Thực hiện xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 đối với người cách ly theo quy định, đặc biệt áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện sớm người mắc bệnh trong khu cách ly, kịp thời chuyển cách ly điều trị. Phối hợp các đơn vị liên quan giám sát việc tuân thủ các biện pháp cách ly y tế trong khu vực phong tỏa theo yêu cầu, hướng dẫn của ngành y tế, quản lý việc tổ chức cách ly tập trung và cách ly tại nhà, kiểm soát chặt không để tiếp tục xảy ra lây nhiễm trong khu vực phong tỏa, khu vực cách ly tập trung và lây lan trong cộng đồng.
Việc truy vết, điều tra dịch tễ và lấy mẫu các trường hợp F1 phải đảm bảo thực hiện trong vòng 2 giờ. Để kịp thời đáp ứng trong tình hình số lượng ca F0, F1 gia tăng dẫn đến thời gian điều tra truy vết F1 kéo dài hơn 2 giờ, các đơn vị cần lập tức khoanh vùng nơi ở, nơi làm việc, nơi tiếp xúc khác ngay khi phát hiện F0 để thực hiện xét nghiệm nhanh cho những người trong vùng phong tỏa này.
Mẫu xét nghiệm RT-PCR chuyển đến các đơn vị được phân công xét nghiệm cho đối tượng F1 như Viện Pasteur, HCDC (trường hợp vượt quá công suất các đơn vị thì HCDC chủ động điều phối mẫu đến các đơn vị xét nghiệm khác). Thời gian trả kết quả xét nghiệm trong vòng 6 – 10 giờ kể từ khi nhận mẫu.
Đối với các mẫu gộp được chuyển đến các đơn vị xét nghiệm theo sự điều phối của Trung tâm Điều phối lấy mẫu, xét nghiệm của TP. Thời gian trả kết quả trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận mẫu. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chịu trách nhiệm xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn các trường hợp người bệnh tại bệnh viện điều trị Covid-19 hoặc các trường hợp khẩn cấp khác của các đơn vị y tế.
Chuẩn bị phương án tiếp tục mở rộng thêm 30.000 giường thu dung điều trị người bệnh Covid-19. Khẩn trương mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế và nhờ sự chi viện của Bộ Y tế, không để các cơ sở y tế thiếu trang thiết bị y tế trong công tác cấp cứu, điều trị người bệnh
Tiếp tục tăng cường kiểm soát, sàng lọc người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện sớm người mắc Covid- 19, xét nghiệm tầm soát định kỳ 5 – 7 ngày đối với nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân điều trị nội trú trong bệnh viện bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp.
Tổ chức xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trả kết quả xét nghiệm đối với người có nhu cầu ra khỏi thành phố và tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TPHCM đi các tỉnh, thành khác để cấp Giấy xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 còn hiệu lực (theo quy định hiện hành của Bộ Y tế) cho các trường hợp trên một cách hợp lý, tránh ùn tắc tại các cửa ngõ.
Tổ chức Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống dịch, đúng tiến độ để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Tổ chức tiêm vaccine phải đảm bảo giãn cách và 5K, phân chia nhiều điểm tiêm với quy mô nhỏ, theo khung giờ, ứng dụng công nghệ thông tin để hẹn giờ tiêm, nhập thông tin hành chính và tiền căn sức khỏe người được tiêm trước khi đến điểm tiêm (người được tiêm tự khai báo), đơn giản hóa quy trình tiêm để hạn chế tập trung đông người, phòng tránh lây nhiễm trong giai đoạn có nhiều ca bệnh trong cộng đồng.
Các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ người lao động, tổ chức quy trình làm việc đảm bảo giãn cách, tăng cường các giải pháp làm việc, trao đổi trực tuyến, hạn chế việc tiếp xúc giữa người lao động của các khoa, phòng, bộ phận, cũng như tiếp xúc với bên ngoài, không để xảy ra lây nhiễm trong cơ quan, đơn vị. Các công ty, xí nghiệp không đảm bảo yêu cầu phòng dịch phải ngưng hoạt động. |