Đến từng nhà dân kiểm soát huyết áp
Xuất phát điểm là một trong những phường có số lượng đo huyết áp thấp nhất quận 8, TPHCM, thế nhưng kể từ khi tham gia dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe”, phường 9 trở thành điểm sáng đáng tự hào. Đây là dự án nâng cao nhận thức, phát hiện và điều trị sớm bệnh tăng huyết áp cho người dân, do Sở Y tế TPHCM phối hợp Tổ chức PATH và Quỹ Novartis thực hiện 3 năm qua.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, cộng tác viên khu phố 1, cho biết công tác vận động người dân tham gia dự án gặp nhiều khó khăn. “Ban đầu, chúng tôi đặt điểm đo tại nhà các cộng tác viên là cán bộ khu phố, nhưng luôn trong tình trạng ế ẩm không ai tới, do người dân thấy phiền hà và nghĩ việc đo huyết áp chẳng mang lại lợi ích gì”, bà Mai kể.
Không chỉ đo huyết áp, nhân viên trạm y tế còn cùng các cộng tác viên tư vấn, hướng dẫn, giải thích cặn kẽ kiến thức về bệnh tăng huyết áp, chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để kiểm soát huyết áp…
“Mình bận buôn bán suốt ngày làm gì có thời gian đi đo huyết áp, thế là các cô mang máy đến đo tận nơi cho mình luôn. Mình còn được các cô tư vấn bớt ăn mặn, bớt ăn dầu mỡ để huyết áp ổn định”, chị Nguyễn Thị Loan, tiểu thương chợ Hưng Phú, chia sẻ.
Theo bác sĩ Trần Hữu Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 8, trước đây khi thực hiện chương trình quốc gia về bệnh tăng huyết áp, số người được sàng lọc chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng chỉ với 3 năm triển khai dự án, số trường hợp được đo huyết áp lên hơn 5.000 ca.
“Đây là thành tựu đáng ghi nhận bởi dự án đã chia sẻ gánh nặng về bệnh tật không lây nhiễm, mà cụ thể là tăng huyết áp. Dự án còn mở ra nhiều hướng nghĩ mới trong chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là trong quản lý một số bệnh không lây nhiễm khác như tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”, bác sĩ Trần Hữu Phong cho biết.
Nhân rộng mô hình
Được triển khai từ năm 2016, dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe” đã thiết lập mô hình quản lý tăng huyết áp dựa vào cộng đồng cho người dân tại 16 phường thuộc các quận 8, 12, Gò Vấp, Thủ Đức.
Sau 3 năm, đã có 558 điểm đo huyết áp được tổ chức tại các trạm y tế, khu phố, chợ truyền thống, điểm dân cư, phòng khám ngoại trú... với sự tham gia của 132 cộng tác viên, kết nối với 79 cơ sở y tế công và tư tham gia sàng lọc, điều trị tăng huyết áp cho người dân.
Từ đó, 121.270 người trên 40 tuổi (chiếm 58% người dân tại 16 phường triển khai dự án) được sàng lọc bệnh tăng huyết áp; 63% người bị tăng huyết áp thường xuyên đo huyết áp và biết trị số huyết áp của mình. Đặc biệt, 29.908 người có chỉ số huyết áp cao được chuyển gửi đi chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở y tế.
Bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết ngoài việc triển khai các điểm đo huyết áp, tư vấn, chuyển gửi người bệnh đến các cơ sở điều trị, dự án còn ứng dụng phần mềm quản lý, theo dõi tăng huyết áp của người dân, triển khai tin nhắn tự động gửi đến người dân nhằm thúc đẩy họ tuân thủ điều trị và thực hiện lối sống lành mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, điểm thành công nhất của dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe” là huy động được lực lượng tư nhân, các doanh nghiệp xã hội tham gia để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, giảm tải cho hệ thống y tế công lập.
“Việc sàng lọc, phát hiện sớm và chuyển gửi điều trị, nhắc nhở người tăng huyết áp tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống, là chìa khóa để giảm biến chứng của tăng huyết áp”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh. Cũng theo ông, quản lý các bệnh không lây nhiễm vẫn là bài toán nan giải khi số lượng người mắc đang mỗi ngày một gia tăng, nhất là các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường...
Do đó, từ thành công của dự án, trong thời gian tới, thành phố cần nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho người dân tự kiểm tra, nâng cao sức khỏe của chính bản thân mình. Đồng thời xem xét việc triển khai mô hình “Cộng đồng vì trái tim khỏe” lồng ghép, phối hợp để thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm khác.
Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện Việt Nam có 12,5 triệu người mắc tăng huyết áp, trong đó có tới gần 60% chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. |