Video: Độc lạ những “đại lão" mai vàng 5 cánh giữa rừng già Quảng Trị
Thông tin này được ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị xác nhận sau chuyến khảo sát thực địa của đơn vị. Theo thống kê sơ bộ, nhiều cây mai cổ có đường kính thân lên đến 60cm, mọc rải rác trong diện tích rộng hàng hécta, ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển.
Những cây mai có thân sần sùi, phủ rêu phong, dáng uốn lượn hoặc vươn thẳng giữa rừng già, xen lẫn là hàng trăm cây mai non đang phát triển tốt dưới tán rừng. Mai thuộc giống đọt xanh, mặt hoa 5 cánh – loài mai đặc trưng được người miền Trung ưa chuộng dịp tết.




Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, cho biết rừng mai cổ nằm trong quần thể danh thắng Non Mai – Sông Hãn, nơi được xem là long mạch của vùng đất Quảng Trị. “Sự hiện diện của rừng mai cổ làm tăng giá trị đặc biệt cho danh thắng này, tạo nên bản sắc hiếm có về cảnh quan, sinh thái và văn hóa”, ông Thọ nhận định.



Đường đến khu vực rừng mai khá gian nan, phải lội suối, băng rừng, leo núi mất gần một ngày. Theo thiết bị GPS, khu vực này có độ cao trên 300m so với mực nước biển, với nhiều cây mai cao hơn 5m, rễ bám vào đá núi, thân cây hình dáng kỳ thú như những chiếc lu cổ, cành lá vươn mình đón nắng.


Theo ông Trương Quang Trung, rừng mai cổ đã được đơn vị phát hiện cách đây vài năm, nhưng nay mới công bố nhằm phục vụ định hướng phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn tài nguyên. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng bảo vệ, giữ nguyên trạng khu rừng. Sau đó, tùy vào nguồn lực, sẽ tiến hành khảo sát chi tiết và lập phương án bảo tồn, tái sinh tự nhiên”, ông Trung nói.


