Tại quán karaoke Icool đường Dạ Nam (phường 3, quận 8), đoàn kiểm tra chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót trong đảm bảo an toàn PCCC và hướng dẫn, yêu cầu chủ cơ sở nhanh chóng khắc phục, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ và giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Tại quán karaoke Thanh Ruby (đường Trần Quốc Tuấn, phường 1, quận Gò Vấp), đại diện quán cho biết, quán có 4 phòng. Song thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận quán được cải tạo, cơi nới thêm nhiều phòng khác. Thậm chí ở tầng thượng đang được quán sửa chữa lắp đặt thêm. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiễu lỗi vi phạm nên lập biên bản đề xuất xử phạt với chủ quán.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó Trưởng Phòng PC07 cho biết, sau vụ cháy ở TP Hà Nội khiến 3 chiến sĩ cảnh sát hy sinh vào ngày 1-8, Bộ Công an đã chỉ đạo các địa phương tổ chức cao điểm kiểm tra PCCC cơ sở kinh doanh như quán karaoke, bar, vũ trường. Công an TPHCM đã tổ chức triển khai kế hoạch trên từ ngày 17-8 đến 17-9. Qua đó, đơn vị điều tra cơ bản nắm tình hình để đánh giá phân loại từng loại hình và có biện pháp chấn chỉnh, nhằm tăng tính an toàn PCCC ở các cơ sở này.
Theo thống kê, toàn TPHCM hiện có có 414 cơ sở loại hình kinh doanh karaoke, bar, vũ trường. Đến nay, Phòng PC07 đã phối hợp kiểm tra hơn 50% và phát hiện nhiều sai sót, vi phạm về quy định PCCC. Qua đó, 90 cơ sở đã bị xử phạt với số tiền khoảng 300 triệu đồng. Trong số này có 2 cơ sở bị tạm đình chỉ và 2 cơ sở bị đình chỉ hoạt động vì vi phạm nghiêm trọng trong việc chưa thực hiện thẩm duyệt PCCC mà đưa vào kinh doanh.
Đại tá Huỳnh Ngọc Quan nhấn mạnh, Phòng PC07 sẽ tiếp tục phối hợp với công an các địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá, phân loại với các các quán karaoke, bar, vũ trường. Đặc biệt, khi kiểm tra phải giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, thậm chí tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc rút giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, chậm khắc phục.
Đại tá Huỳnh Ngọc Quan phân tích thêm, các cơ sở karaoke hoạt động trong điều kiện kín. Quá trình thi công sử dụng nhiều vật liệu ốp lát để đảm bảo âm thanh được hay, nhưng điều kiện thông gió, hút khói… rất hạn chế. Loại hình này tập trung đông người về đêm. Khi xảy ra cháy thì nhiệt độ gia tăng, khói nhiều. Vì thế việc triển khai chữa cháy rất khó khăn.
Trong khi đó, gần đây loại hình dịch vụ này sử dụng nhà ở chuyển đổi công năng qua dịch vụ, thường là nhà ống, điều kiện thoát nạn ở dạng hạn chế. Việc triển khai cứu nạn cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn…