Theo cơ quan hải quan, sau khi Bộ NN-PTNT có công văn đề nghị Bộ Tài chính kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị thực hiện thủ tục nhập khẩu cá tầm và các chính sách nhập khẩu liên quan.
Tuy nhiên, qua thời gian theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn; cho thấy, thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan (cá tầm Siberia, tên khoa học: Acipenser baerii).
Cụ thể, ngày 17-3, Công ty TNHH Đầu tư & xuất nhập khẩu An Hưng đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm từ Trung Quốc. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cùng Chi cục Hải quan, cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho riêng của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại. Ngày 19-3, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 ban hành thông báo kết quả giám định xác định hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cites Việt Nam cấp (tên là cá tầm Siberia, tên khoa học: Acipenser baerii).
Ngày 23-3, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã có công văn đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn căn cứ kết quả giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 để xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra kho lưu giữ bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp ngày 23-3 thì toàn bộ lô hàng đã được doanh nghiệp tự ý đưa đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan hải quan xác nhận thông quan. Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã mời doanh nghiệp để yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định.
Tương tự, ngày 19-3, Công ty TNHH Nông lâm thuỷ sản Đức Vui đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Siberia, có xuất xứ Trung Quốc. Ngày 20-3, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 ban hành thông báo những mẫu cá được kiểm tra của doanh nghiệp này không phải là cá tầm Siberia (Acipenser baeri Brandt 1869), 6 mẫu cá này có thể là con cá lai giữa các loài cá tầm với nhau. Căn cứ kết quả giám định nêu trên thì hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và giấy phép do Cites Việt Nam cấp.
Ngày 23-3, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã có công văn đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lào Cai căn cứ kết quả giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 để xử lý theo đúng quy định.
Ngoài ra, hiện nay, có 2 lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn cũng đã được hải quan cửa khẩu gửi lấy mẫu để thực hiện giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, nhưng đến nay chưa có kết quả.