Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó nhiều vụ án có quy mô đặc biệt lớn. Trong khi đó, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ còn hạn chế.
Theo báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 (số liệu tính từ ngày 1-10-2023 đến 31-7-2024) của Chính phủ gửi đến cơ quan của Quốc hội, tình hình tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu; phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư của nhà nước để trục lợi, nhận hối lộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng. Tội phạm dùng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi gây bức xúc trong nhân dân, điển hình như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An…
Đã phát hiện một số lĩnh vực và phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thẩm định giá trong tố tụng hình sự: đối tượng sử dụng giấy tờ giả để đăng ký chữ ký số, thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử và chiếm quyền phát hành hóa đơn giá trị gia tăng điện tử.
Báo cáo cũng nêu rõ, đã phát hiện một số lĩnh vực và phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thẩm định giá trong tố tụng hình sự: đối tượng sử dụng giấy tờ giả để đăng ký chữ ký số, thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử và chiếm quyền phát hành hóa đơn giá trị gia tăng điện tử của một số doanh nghiệp để phát hành và bán hóa đơn giá trị gia tăng, thu lợi trái phép; lợi dụng ngân hàng thương mại để thực hiện hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới bằng phương thức cho, tặng sổ tiết kiệm…
Bên cạnh đó các cơ quan chức năng đã phát hiện 4.150 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, ít hơn cùng kỳ năm trước 16,09%, phát hiện 936 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, nhiều hơn 37,85%, phát hiện 1.735 vụ sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, nhiều hơn 31,04%...
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nhận định, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó nhiều vụ án có quy mô đặc biệt lớn. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, xử lý cả những vụ việc xảy ra đã lâu, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều địa phương, song theo đánh giá của dư luận thì kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Đặc biệt là kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Cụ thể, năm 2024 tiến hành kiểm tra tại 90.793 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 395 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm (cùng kỳ năm 2023 là 11.056 cuộc/77 đơn vị vi phạm); tiến hành 15.948 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 373 vụ việc, 692 người vi phạm (cùng kỳ năm 2023 là 6.374 cuộc/300 vụ việc, 439 người vi phạm); kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại 86.417 cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện 1.087 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm (cùng kỳ năm 2023 là 7.651 cuộc/ phát hiện 893 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm).
Trong khi đó, thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc. Qua phản ánh của dư luận cử tri cho thấy tình trạng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều.