Nhóm nghiên cứu quốc tế của Bảo tàng Khoa học tự nhiên ở Đại học Utah (Mexico) vừa công bố kết quả khai quật hóa thạch xương khủng long 72 triệu năm tuổi ở bang Coahuila.
Việc phát hiện bộ xương khủng long khổng lồ dài đến 10,5m, có mỏ vịt và có mào này đã bổ sung danh sách các loài khủng long sống ở Tây Bắc Mỹ vào cuối kỷ khủng long. Loài khủng long mới được đặt tên “Velafrons coahuilensis” (ảnh 1).
Velafrons nghĩa là “căng buồm ở trán” theo tiếng Latin và tiếng Tây Ban Nha, do loài khủng long này có mào to giống cánh buồm, đồng thời thể hiện sự xuất hiện đầu tiên của khủng long mỏ vịt có mào ở Bắc Mỹ. “Velafrons coahuilensis” chỉ ăn cây cỏ và sống cùng khu vực với những loài khủng long ăn thịt như Tyrannosaurs và Velociraptors.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Quốc gia thuộc Đại học Rio de Janeiro (Brazil) cũng phát hiện xương hóa thạch của một loài khủng long bay nhỏ như chim sẻ ở phía Tây tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Đây là loài nhỏ nhất thuộc giống khủng long Pterosaurs bay và được đặt tên là “Nemicolopterus crypticus” (ảnh 2), có nghĩa “cư dân biết bay ở rừng”.
Dựa vào hình dạng xương chân, các nhà khoa học cho rằng loài khủng long bay này có thể cầm nắm bằng chi, sống chủ yếu trên cây và có lẽ chỉ ăn côn trùng vì không có răng. Phát hiện này cung cấp thông tin về loài khủng long Pterosaurs sống ở châu Á, mở ra một chương hoàn toàn mới trong lịch sử tiến hóa của những động vật có xương sống biết bay”.
VÕ HÀ
(theo Daily Mail, PhysOrg, National Geographic)