Nhầm tưởng viêm dạ dày
Chị L.T.H. (39 tuổi, ngụ tại TPHCM) bị ung thư dạ dày giai đoạn 4, hiện đang điều tại một bệnh viện ở TPHCM, kể: “Do công việc, tôi dùng nhiều rượu bia và hay ăn thức ăn bên ngoài. 3 năm trước, tôi bắt đầu tụt cân nhiều, ăn khó tiêu và hay đau bụng. Nghĩ chắc do ăn uống không điều độ nên đau dạ dày, tôi mua thuốc về uống suốt gần 1 năm. Đến lúc đau trướng bụng nhiều hơn mới đi khám”. Theo lời chị H., khi đến bệnh viện thăm khám thì căn bệnh ung thư dạ dày của chị đã ở giai đoạn 4.
Theo TS-BS Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, ở giai đoạn ban đầu, người bị ung thư dạ dày hầu như không có triệu chứng cụ thể, nhưng lại có những dấu hiệu dễ gây lầm tưởng với viêm dạ dày thông thường như ăn uống chậm hoặc khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn. Khi ở giai đoạn muộn, người bệnh có nhiều triệu chứng hơn như: đau bụng kéo dài, nôn ói, nôn ra máu, tiêu phân đen, sờ thấy khối u ở bụng hay thiếu máu, da xanh xao.
Cũng theo bác sĩ Võ Duy Long, nguyên nhân cụ thể gây ra ung thư dạ dày chưa rõ ràng. Các yếu tố nguy cơ cao gây ung thư dạ dày: chế độ ăn uống không hợp lý với thức ăn ngâm ủ lâu ngày lên men, thức ăn nướng, hun khói, thức ăn ẩm mốc… Ngoài ra, còn có yếu tố di truyền, nếu trong gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày thì những người cùng huyết thống có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Hơn nữa, nhóm người sống trong môi trường độc hại, nhiều hóa chất và người bị viêm loét dạ dày lâu năm cũng dễ mắc bệnh này.
Một yếu tố khác đáng lưu ý là người bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (gọi tắt là HP) có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày nếu không được điều trị triệt để. “Đáng lo ngại hơn, ung thư dạ dày hiện có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ người trẻ (dưới 40 tuổi) mắc bệnh ung thư dạ dày khoảng 15%-20%”, bác sĩ Võ Duy Long thông tin.
Có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm
Nếu chẩn đoán và điều trị chậm trễ, ung thư dạ dày sẽ xâm lấn đến các cơ quan xung quanh và di căn xa nên không thể điều trị tận gốc. Ngoài ra, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ gây khó khăn cho việc điều trị, tốn nhiều thời gian và tiền bạc của người bệnh, bởi khi đó, bệnh xảy ra biến chứng như thủng dạ dày, chảy máu tiêu hóa nặng hay hẹp môn vị… làm người bệnh không ăn uống được, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Để điều trị ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, thương tổn ung thư còn nằm ở bề mặt niêm mạc, chưa có di căn hạch, bác sĩ sẽ tiến hành cắt thương tổn qua nội soi dạ dày mà không cần cắt bỏ dạ dày. Khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, thương tổn ung thư đã xâm nhập qua khỏi lớp niêm mạc hoặc đã có di căn hạch, cần phải phẫu thuật cắt dạ dày. Hiện nay, các bệnh viện thường áp dụng phẫu thuật nội soi để cắt dạ dày cho bệnh nhân đem lại kết quả khả quan.
Theo bác sĩ Võ Duy Long, bệnh ung thư dạ dày vẫn có thể điều trị khỏi, nếu người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như đau bụng, ăn uống chậm tiêu, đầy bụng… kéo dài trên 10 ngày, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám. Để chủ động phòng bệnh, mọi người cần đến cơ sở y tế để tầm soát ung thư dạ dày. “Mọi người nên nội soi dạ dày ở thời điểm 40 tuổi. Sau đó, tùy tình trạng dạ dày mà bác sĩ sẽ cho thời gian nội soi lại sau đó là bao lâu”, bác sĩ Võ Duy Long lưu ý.
Bên cạnh đó, để tránh trở thành nạn nhân của ung thư dạ dày, mọi người cần ăn nhiều rau, trái cây, hạn chế ăn thực phẩm ngâm ủ, lên men lâu ngày, thức ăn nướng, hun khói… Đặc biệt, phải thăm khám và điều trị tận gốc khi bị nhiễm khuẩn HP.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trung bình mỗi tháng có 30-40 trường hợp nhập viện điều trị ung thư dạ dày. Trong năm 2018, bệnh viện đã tiếp nhận 342 trường hợp bệnh nhân nhập viện vì ung thư dạ dày. Đến năm 2019, số người nhập viện vì căn bệnh này tiếp tục tăng với 470 bệnh nhân. Các chuyên gia y tế dự báo, số ca mắc ung thư dạ dày sẽ không thể hạ nhiệt nếu người dân không chú trọng ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. |