Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện nhựa đi vào cơ thể người, trong khi nhiều nghiên cứu trước đó đã cho thấy các loài động vật biển bị nhựa xâm nhập.
Theo báo The Guardian, Anh, các nhà khoa học xét nghiệm chất thải của 8 tình nguyện viên ở Anh, Phần Lan, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Ba Lan, Nga và Áo. Nhật ký ăn uống của các tình nguyện viên cho thấy tất cả đều dùng thức ăn, thức uống đựng trong đồ nhựa; không ai ăn chay và sáu người thường xuyên ăn cá biển. Kết quả là tất cả mẫu xét nghiệm đều chứa microplastic - các hạt nhựa siêu nhỏ có kích thước nhỏ hơn 5 micromet thường dùng trong những sản phẩm như mỹ phẩm nhưng cũng có thể do những mảnh nhựa lớn hơn (thường là trên biển) phân rã thành.
Theo xét nghiệm, trung bình mỗi 10g chất thải chứa 20 hạt nhựa siêu nhỏ. Tổng cộng, nhóm tác giả liệt kê được 9 loại hạt nhựa từ 50-500 micromet (1 micromet = 0,001 mm), phổ biến nhất là polypropylene (PP) và polyethylene terephthalate (PET) thường thấy trong bao bì đồ ăn, thức uống. Dựa trên nghiên cứu này, nhóm tác giả ước tính hơn 50% dân số thế giới có thể chứa hạt nhựa siêu nhỏ trong người dù họ cho rằng cần những nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác nhận.
Nhấn mạnh đây là nghiên cứu đầu tiên xác nhận điều mà nhiều nhà khoa học đã ngờ vực từ lâu, ông P.Schwabl nêu bật nguy cơ đáng ngại của hạt nhựa siêu nhỏ đối với con người, đặc biệt là người mắc bệnh đường tiêu hóa: “Các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan”.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết thêm, hạt nhựa trong ruột có thể ảnh hưởng tới phản ứng miễn dịch của hệ tiêu hóa hoặc tạo điều kiện cho cơ chế lan truyền hóa chất độc hại và tác nhân gây bệnh.
Nhựa đang được sử dụng phổ biến và việc loại bỏ nó hoàn toàn khỏi chuỗi thức ăn là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Mỗi phút trên thế giới lại có khoảng 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ và con số này dự kiến tăng hơn 20% vào năm 2021. Nhiều lộ trình đang được gấp rút thực hiện để ngăn chặn sự gia tăng của đại nạn ô nhiễm nhựa.
Tại Thái Lan, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đang triển khai chuỗi hoạt động cơ bản nhằm hỗ trợ các chính phủ và doanh nghiệp giải quyết các vấn đề môi trường - bao gồm vấn đề ô nhiễm nhựa ở biển. Thông qua dự án “Rừng ngập mặn cho tương lai”, một chương trình chung của IUCN và Chương trình Phát triển LHQ cung cấp tài trợ trên 11 quốc gia, cộng đồng đã bắt đầu phân loại, ủ phân và tái chế chất thải. Dự án cũng kết nối họ với một công ty tái chế lớn mua phế liệu được phân loại, giúp tạo ra thu nhập. Các giải pháp dựa trên cộng đồng như trên là một bước quan trọng để giải quyết vấn đề toàn cầu này.