Trong số mới nhất của tạp chí Nature Biotechnology, nhóm nhà khoa học ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thông báo đã xác định được cơ chế chính để cúm gia cầm biến đổi thành dịch. Đó là khi hình dạng một số tế bào của virus phù hợp với hình dạng các hợp chất nhóm đường trong bộ máy hô hấp của người.
Ở gia cầm, hình dạng tế bào virus phù hợp với hình dạng tế bào thuộc hợp chất nhóm đường trong bộ máy hô hấp của chúng nên bệnh dễ dàng lây nhiễm. Ở người, những hình dạng này không phù hợp, nhưng nếu virus biến đổi, cúm gia cầm có khả năng gây dịch ở người.
Các nhà khoa học ở MIT đã nghiên cứu 2 dòng cúm gia cầm H3N2 và H1N1 (những dạng đột biến của H1N1 từng gây dịch giết chết 50 triệu người vào năm 1918) và phát hiện, những virus này liên kết với một số hợp chất nhóm đường trên bề mặt các tế bào ở bộ máy hô hấp. Khi một virus gặp một tế bào của hợp chất nhóm đường, nó sẽ bám lấy phân tử đường, sử dụng như một “quả nắm cửa” để xâm nhập tế bào. Sau đó virus tự sản sinh các bản sao để tiến ngay ra ngoài, tác động những tế bào mới và đi vào không khí qua hơi thở.
Cả H3N2 và H1N1 đều bám vào các hợp chất nhóm đường “a2-6 sialylated”, được tìm thấy trong bộ máy hô hấp của người. Ở loài chim, hợp chất nhóm đường mà H5N1 dễ dàng nối kết là “a2-3 sialylated” có hơi khác so với nhóm đường ở người. Như vậy, để cúm gà có thể lây nhiễm từ người sang người, H5N1 sẽ định hình theo nhóm đường “a2-6 sialylated”. Nhóm nghiên cứu đã xác định các hình dạng của hợp chất nhóm đường “a2-6 sialylated” ở người – vốn thay đổi giữa các bộ phận thuộc đường hô hấp – và phát hiện 2 hình dạng, một giống hình dù và một hình nón, có thể liên kết với một dòng H5N1 để gây dịch.
Với khám phá mới, các nhà khoa học có thể xác định những hình dạng mới của các dòng H5N1 để có thể kiềm chế trước khi chúng biến đổi hoàn toàn. Họ cũng có thể phát triển các vaccine và thuốc trị H5N1 hiệu quả nhất.
V.Hà (theo Wired News)