Bệnh nhân đến khám trong tình trạng da nổi đỏ khắp người đã hơn 1 tuần, đã uống các thuốc dị ứng nhưng tình trạng da không khỏi.
Qua thăm khám, Ths.BS Trình Ngô Bỉnh – Khoa Lâm sàng 3 ghi nhận nhiều tổn thương da đỏ, hơi sậm màu vùng thân mình và tay chân. Đây là điển hình của bệnh giang mai thời kỳ 2.
Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho biết mình có quan hệ tình dục đồng giới, từng tiếp xúc với nhiều bạn tình và có quan hệ tình dục không an toàn. Nhận thấy đây là một trường hợp bệnh phức tạp, nghi ngờ chồng chéo nhiều bệnh lý STIs khác nhau, Ths. BS Trình Ngô Bỉnh đã cho thực hiện các xét nghiệm cần thiết và cuối cùng chẩn đoán được bệnh nhân mắc đồng thời bệnh giang mai thời kỳ 2 và một bệnh tương đối hiếm gặp hiện nay ở nước ta hiện nay là bệnh hột xoài.
Bệnh nhân được chỉ định điều trị bệnh giang mai thời kỳ 2 bằng kháng sinh liều duy nhất sau khi có kết quả xét nghiệm phản ứng huyết thanh giang mai.
Với bệnh lý hột xoài, sau khi có kết quả xét nghiệm PCR Chlamydia trachomatis, bệnh nhân được tiến hành điều trị bằng Doxycycline uống 3 tuần. Kết quả chấm đỏ trên da ở thân mình biến mất sau 2 tuần điều trị, vết loét lành, không còn tình trạng chảy mủ sau 3 tuần điều trị.
Bệnh hột xoài, hay còn gọi là bệnh u hạt lympho sinh dục (Lymphogranuloma venereum- LGV) là một bệnh lý lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia trachomatis chủng L1, L2, L3 gây nên. Bệnh lây truyền qua da và niêm mạc bị tổn thương qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quan hệ tình dục. bệnh thường biểu hiện qua 3 giai đoạn Giai đoạn tiên phát: có nhiều hình thái sang thương nơi mà vi khuẩn xâm nhập (vùng sinh dục, hậu môn) như sẩn đỏ, vết loét nông hay viết trợt... Giai đoạn này thường kín đáo và không có triệu chứng nên đa số bệnh nhân không biết mình bị bệnh, các thương tổn lành nhanh không để lại sẹo. Giai đoạn thứ phát, hay còn gọi là hội chứng bẹn: vài tuần sau thương tổn tiên phát, bệnh nhân có biểu hiện cấp tính sưng phù nề hạch bẹn với các đám cứng, đau rồi to dần lên vùng bẹn, bề mặt da đỏ, hạch dính với các tổ chức xung quanh và có thể vỡ ra chảy dịch mủ đặc. Nếu không điều trị thích hợp bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn gây loét, nhiều lỗ dò phức tạp vùng sinh dục hậu môn, các đường hầm thông với nhau, và dẫn đến giai đoạn thứ 3 là hội chứng hậu môn - trực tràng – sinh dục (thường gặp nhiều hơn ở bệnh nhân nữ) gây đau nhiều, biến dạng và cần phải can thiệp ngoại khoa. Bệnh hột xoài chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng và tiền sử bệnh, các bác sĩ có thể cho thực hiện xét nghiệm để tìm sự hiện diện của Chlamydia trachomatis, do chủng L1, L2, L3. |