Phát hiện 767 vụ vi phạm liên quan đến khu bảo tồn biển Việt Nam
SGGPO
Sáng 19-10, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị quốc gia “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển (KBTB) Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh”.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học khá cao, với hơn 11.000 loài sinh vật được phát hiện. Tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên và nguồn lợi thủy sản là thế mạnh của Việt Nam trong phát triển ngành kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng, đặc biệt là thiết lập các KBTB.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu tại hội nghị
Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản nước ta đạt khoảng 7,74 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9 tỷ USD, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống người dân các tỉnh ven biển.
Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ NN&PTNN, công tác bảo tồn biển tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việc khai thác hoạt động du lịch, tận diệt hải sản thiếu sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý gây hệ quả nghiêm trọng đối với thiên nhiên biển, từng bước làm suy giảm chất lượng của các hệ sinh thái dưới nước. Ô nhiễm môi trường ven biển từ rác thải du lịch (đặc biệt là rác thải nhựa), các hoạt động nhấn chìm gần khu vực bảo tồn biển... đang trở thành vấn đề cấp bách.
Cơ quan chức năng cần kiểm soát tình trạng khai thác nguồn lợi quá mức của người dân
Theo thống kê của Tổng cục thủy sản, 4 năm gần đây, tổng số vụ vi phạm các quy định quản lý nhà nước liên quan đến công tác bảo tổn biển là 767 vụ. Các hoạt động trong khai thác, lặn bắt những loài hải sản nguy cấp quý hiếm, tàu cá sử dụng các nghề lưới kéo, màng, ngư cụ có mắt lưới nhỏ, ngư cụ cấm, sử dụng chất nổ để khai thác trong và xung quanh các KBTB (đặc biệt là trong phân khu nghiêm ngặt) vẫn diễn ra nhưng cơ quan chức năng không có chế tài để xử phạt. Các KBTB chưa có lực lượng kiểm ngư, tuần tra phối hợp không hiệu quả. Hậu quả là các loài giá trị cao như Hải sâm, Tôn hùm, Bào ngư, Trai tai tượng, cầu gai Sọ dừa... bị suy giảm lớn và chưa có hoạt động phục hồi tái tạo các nguồn lợi hải sản.
Hội nghị hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm
Bên cạnh đó, các đại biểu có ý kiến rằng các KBTB thiếu nhân lực và kinh phí trong khi phạm vi quản lý rộng, trách nhiệm cao. Tất cả các KBTB đều thiếu cán bộ chuyên sâu về sinh học biển nên công tác nghiên cứu, bảo vệ không phát triển. Cơ sở vật chất không đủ để triển khai các hoạt động bảo tồn, kiểm tra. Ngoài ra, sự xung đột lợi ích giữa bảo tồn và phát triển kinh tế cũng là vấn đề khó giải quyết.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quản lý KBTB; Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các KBTB hoạt động bảo tồn biển; Bố trí lực lượng kiểm tra tại các KBTB để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý KBTB tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các KBTB; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, hóa chất cấm, chất độc, nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác hải sản...