Theo đó, 156 cá thể voọc gáy trắng phân bố tại các xã Đồng Hóa, Thạch Hóa, Thuận Hóa của huyện Tuyên Hóa trên các dãy núi đá vôi sát với các khu dân cư và ruộng nương người dân. Chúng phân bổ gồm 22 đàn, trong đó xã Thạch Hóa 12 đàn với 91 cá thể; xã Đồng Hóa ghi nhận 9 đàn, với 57 cá thể và Thuận Hóa ghi nhận 1 đàn với 8 cá thể.
Ngoài ra, CIRD cũng ghi nhận trong khu vực này có 1 loài linh trưởng khác là 2 đàn khỉ Mốc với 30 cá thể ở Đồng Hóa, Thuận Hóa.
CIRD cũng dày công ghi nhận tổ chức xã hội của quần thể voọc gáy trắng giống như tổ chức của các loài khỉ ăn lá với một đực nhiều cái hoặc nhiều đực và nhiều cái cùng các cá thể chưa trưởng thành.
Voọc gáy trắng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam, nó được ghi nhận chỉ sống ở Quảng Bình, một số đàn nhỏ tại Quảng Trị và một phần ở tỉnh Khăm Muộn (Lào), giáp với di sản Phong Nha - Kẻ Bàng.
Việc phát hiện, ghi nhận 156 cá thể voọc gáy trắng ở 3 xã của huyện Tuyên Hóa, gần khu dân cư, không quấy phá con người đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới bảo tồn. CIRD khuyến cáo cần phát triển du lịch xem voọc gáy trắng vì ở đây chúng rất dạn dĩ, dễ chụp ảnh, nên quy hoạch các tuyến và điểm xem voọc để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và cũng sẽ tạo điều kiện tốt để bảo vệ voọc gáy trắng.