Năm 2021, mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân, nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được 260.000ha rừng trồng tập trung và 100 triệu cây phân tán; đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng trên 32 triệu m3 gỗ/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.100 tỷ đồng, là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 15,8 tỷ USD, vượt 20% so với kế hoạch năm và tăng 21% so với năm 2021.
Nhằm phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, khắc phục khó khăn, tồn tại, chủ động triển khai “Tết trồng cây xuân Nhâm Dần”, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức phát động “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, bảo đảm các quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; phấn đấu chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn ít nhất 20% so với kết quả thực hiện năm 2021 theo kế hoạch Bộ NN-PTNT đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” đối với các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới; đối với các tỉnh phía Nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19-5), phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể.
“Quan tâm trồng cây xanh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn, tạo môi trường cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch đẹp”- chỉ thị nêu.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, chỉ thị yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các ban quản lý rừng, công ty, doanh nghiệp, UBND cấp xã quản lý; kiên quyết xử lý vi phạm, thu hồi và buộc khắc phục hậu quả, trồng lại rừng theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng (nhất là các loài động vật nguy cấp, quý hiếm), các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Rà soát các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.