Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng nặng nề tới đời sống kinh tế-xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có ngành giáo dục. Hàng triệu học sinh không thể tới lớp tới trường. Do đó, việc chuyển sang dạy và học trực tuyến là cần thiết và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình học sinh còn gặp rất nhiều khó khăn, không đủ điều kiện, khả năng để trang bị thiết bị học tập trực tuyến thiết yếu như máy tính, máy tính bảng, ti vi,... dẫn đến hàng triệu học sinh không có cơ hội được học tập. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Chương trình “sóng và máy tính cho em”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi Giám đốc các sở GD-ĐT, Chủ tịch Công đoàn giáo dục (CĐGDVN) các tỉnh, thành phố; giám đốc, hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn các đại học, học viện; trường đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc vận động quyên góp, ủng hộ “máy tính cho em”.
Mục tiêu là nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến. Trước mắt ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Chủ tịch công đoàn giáo dục Việt Nam đề nghị các Sở GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ “máy tính cho em” tại tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc; kêu gọi, tuyên truyền, vận động toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, đội ngũ nhà giáo, nhân viên, người lao động tham gia ủng hộ kinh phí tối thiểu là 1 ngày thu nhập.
Đối với các Sở GD-ĐT các địa phương, bộ giao Công đoàn ngành giáo dục tại địa phương chịu trách nhiệm tổ chức tiếp nhận. Số kinh phí này sẽ sử dụng trên nguyên tắc: công khai minh bạch; ban vận động quyên góp, ủng hộ, tiếp nhận, điều phối trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh của Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo ưu tiên mua thiết bị học trực tuyến hỗ trợ các đối tượng học sinh khó khăn ngay tại địa phương và có sự điều phối chung giữa các địa phương trong cả nước.
Theo khảo sát nhanh của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới 2021-2022 gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều nơi tổ chức dạy học trực tuyến chưa hiệu quả, do hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập...
Chẳng hạn theo thống kê sơ bộ, TPHCM còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; nhiều tỉnh vùng khó khăn có từ 50%-70% học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến; nhiều thôn bản không có mạng Internet… Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này…