Đây là năm thứ hai giải thưởng được Bộ TT-TT phát động nhằm thúc đẩy phát triển nền tảng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; là một hoạt động nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-1-2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được trao giải theo 5 hạng mục như: nền tảng số xuất sắc; sản phẩm số xuất sắc; giải pháp số xuất sắc; thu hẹp khoảng cách số; sản phẩm số tiềm năng.
Đối tượng tham gia là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam. Đối với hạng mục giải thưởng sản phẩm số tiềm năng, chỉ áp dụng đối với các tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021 có những thay đổi so với năm trước. Năm 2021 có các giải như giải vàng, giải bạc, giải đồng và top 10 cho 4 hạng mục nền tảng số xuất sắc, sản phẩm số xuất sắc, giải pháp số xuất sắc, thu hẹp khoảng cách số.
Top 10 cũng được trao cho hạng mục sản phẩm số tiềm năng. Các sản phẩm được tôn vinh sẽ phải thỏa mãn 2 nhóm tiêu chí chính, đó là thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và có giá trị thực tế. Trong nhóm tiêu chí “Giá trị thực tế”, cơ cấu điểm liên quan đến doanh thu, số lượng người dùng chiếm khoảng 70% số điểm.
Đơn vị tham gia đạt giải sẽ được hỗ trợ đánh giá, nâng cao chất lượng sản phẩm từ các chuyên gia hàng đầu; giới thiệu rộng rãi đến các địa phương, cơ quan nhà nước; đưa vào danh mục khuyến khích sử dụng trong quá trình chuyển đổi số; hỗ trợ kết nối với thị trường quốc tế và gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng.
Thời gian nhận đăng ký tham gia giải thưởng từ ngày 20-6 đến hết ngày 20-9-2021, nhiều hơn 1 tháng so với Giải thưởng năm 2020.
Hình thức gửi hồ sơ trực tuyến tại cổng thông tin điện tử Giải thưởng: makeinvietnam.mic.gov.vn và makeinvietnam.vcci.com.vn.
Lễ trao giải được tổ chức vào tháng 12-2021.
Tại lễ phát động, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT khẳng định, phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam chính là con đường để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ công nghệ và sản phẩm, đi cùng nhịp với các cường quốc trên thế giới để đưa Việt Nam sớm tự lập, tự cường. Để Việt Nam làm chủ công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng các công nghệ mở, bao gồm cả mã nguồn và kiến trúc mở, dữ liệu mở. Với công nghệ mở, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trở thành quốc gia làm chủ về mặt công nghệ, không chỉ dựa trên trí tuệ của nhân loại mà còn đóng góp cho tri thức thế giới.
“Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải có niềm tin rằng mình có tiềm năng giải quyết tối ưu nhất các bài toán Việt Nam, qua đó chiếm lĩnh được thị trường chuyển đổi số trong nước”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.