Theo ban tổ chức, cuộc thi sẽ tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường: Những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả.
Nội dung cuộc thi viết cũng tập trung vào những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo... những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học...
Đối tượng tham gia cuộc thi viết: là công dân Việt Nam, có tác phẩm phù hợp với thể lệ của cuộc thi; những thành viên tham gia Ban Tổ chức và Ban Giám khảo của cuộc thi không được gửi tác phẩm tham dự cuộc thi.
Cuộc thi sẽ có 2 giải tập thể, 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba, 10 giải Khuyến khích, 2 Giải dành cho nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải, Giải thưởng phụ do Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định, tùy tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức.
Tác phẩm dự thi chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào, chưa đưa lên các websites, blogs, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... của các tổ chức, cá nhân; chưa gửi dự thi bất kỳ cuộc thi nào khác.
Các tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi. Tác giả dự thi phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nhân vật và nội dung bài dự thi của mình.
Cuộc thi viết này lần đầu tiên được phát động vào năm 2018. Mỗi năm có từ 60.000 đến 80.000 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành sách.