Những sai phạm xung quanh công tác quản lý đất đai, cấp phép xây dựng “biệt phủ” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái) cũng như vi phạm về kê khai minh bạch về tài sản của ông Quý đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ và đề nghị phải xử lý nghiêm khắc và kiên quyết.
Tới thời điểm này, ông Quý đã bị kỷ luật “cảnh cáo” về Đảng và cho thôi các chức vụ ở Sở TN-MT tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, việc mới đây cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái chỉ quyết định xử phạt hành chính gia đình ông Quý số tiền hơn 500 triệu đồng do xây dựng một số công trình vượt phép, không phép tại khu “biệt phủ” nói trên và cho phép các công trình trái phép tại khu dinh thự này vẫn được tồn tại mà không bị tháo dỡ đang khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc.
Thậm chí nhiều người còn bày tỏ thái độ phẫn nộ và bất bình khi nghe được vị Chánh văn phòng UBND tỉnh Yên Bái trả lời báo chí rằng tất cả các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ liên quan tới “biệt phủ” của gia đình ông Quý đều đã được giải quyết và việc xử phạt cho tồn tại những công trình sai phép, trái phép trong cái dinh cơ lớn nhất TP Yên Bái đó là đúng quy định pháp luật?
Rõ ràng là cách xử lý “phạt cho tồn tại” của các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đối với những sai phạm liên quan tới “biệt phủ” của gia đình ông Quý là khó có thể chấp nhận được, hay không thể nhận được sự đồng tình, đồng thuận của người dân Yên Bái cũng như dư luận cả nước. Bởi lẽ những sai phạm rất lớn, kéo dài lâu nay ở cái “biệt phủ” của ông Quý mà bao nhiêu cơ quan chức năng của UBND TP Yên Bái và tỉnh Yên Bái lại không biết hoặc biết nhưng mà “nhắm mắt làm ngơ” vì ông Quý là em ruột người lãnh đạo cao nhất tỉnh - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà. Và chỉ khi báo chí lên tiếng, dư luận bức xúc, Thanh tra Chính phủ mới vào cuộc làm rõ hàng loạt sai phạm thì việc xử lý vi phạm của tỉnh Yên Bái đối với ông Quý lại có chiều hướng giảm nhẹ cho tồn tại như một sự đã rồi. Hay nói cách khác là chính quyền và cơ quan chức năng của Yên Bái vẫn đang cố tình bao che cho những sai phạm đã rõ ràng của ông Quý và gia đình.
Thực tế lâu nay tình trạng vi phạm về quản lý đất đai và xây dựng diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Các công trình vi phạm cũng rất đa dạng, từ khu đô thị, chung cư cao tầng, tới các biệt thự, nhà dân... Tuy nhiên, việc xử lý những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng lại rất bất cập, khập khiễng và vô cùng bức xúc khi mà có không ít các công trình lớn sai phạm tràn lan, rất nghiêm trọng nhưng chỉ bị xử lý bằng hình thức phạt hành chính cho tồn tại.
Trong khi đó, nhiều công trình của người dân chỉ hơi có một chút vi phạm cũng bị... hành lên hành xuống, hành cho tới chết. Thậm chí một cái chuồng gà xây dựng không phép trên đất nhà mình của một người dân ở Cao Bằng bị chính quyền đập bỏ.
Rõ ràng, hình thức phạt cho tồn tại mà điển hình như vụ “biệt phủ” của gia đình ông Quý đang vô hình trung khuyến khích hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước, khiến kỷ cương phép nước bị ảnh hưởng. Tệ hơn, đây có thể coi là một hình thức bao che, dung túng để tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật của một nhóm lợi ích, hay việc xử lý những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật vẫn còn có “vùng cấm”.
Nhớ lại cách đây không lâu, thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã có những ý kiến rất thẳng thắn trước Quốc hội khi cho rằng, việc phạt cho tồn tại tưởng như rất nhỏ nhặt nhưng nó tích tụ và có sức tàn phá rất lớn đối với pháp luật, làm nhờn pháp luật. Nguy hại hơn, nó chính là nguồn gốc cùng với cơ chế xin - cho, nó làm băng hoại chính đội ngũ cán bộ của chúng ta... và kéo theo sự băng hoại đối với lòng tin của người dân đối với Nhà nước.