Củng cố hơn nữa trụ cột hợp tác
Tại cuộc hội kiến, Tổng thống Macron đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực; mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang y tế cho nhân dân Pháp trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát năm 2020; thông báo Pháp hỗ trợ thêm Việt Nam 400.000 liều vaccine qua kênh song phương và 970.000 liều vaccine qua cơ chế COVAX, nâng tổng số vaccine Pháp hỗ trợ cho Việt Nam lên hơn 2 triệu liều, minh chứng cho tinh thần hợp tác, hỗ trợ nhau vượt qua dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp đã hỗ trợ vaccine và trang thiết bị y tế, đóng góp hiệu quả vào công tác chống dịch ở Việt Nam. Thủ tướng mong muốn Pháp tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị Covid-19, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế của Việt Nam.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023, hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng xây dựng kế hoạch hàng năm với những nhiệm vụ cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược. Pháp hoan nghênh và sẵn sàng phối hợp với Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt - Pháp lần thứ 12-2022 tại Hà Nội.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần củng cố hơn nữa trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, cùng thống nhất các phương hướng và biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trao đổi thương mại giữa hai nước, cùng hướng tới xây dựng các quan hệ đối tác công nghiệp lâu dài trên cơ sở chuyển giao công nghệ cao, cùng có lợi, nhất là trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ số...
Hợp tác trên các diễn đàn đa phương
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phối hợp của Pháp tại các diễn đàn đa phương, mong Pháp sẽ là cầu nối giúp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam cũng như ASEAN với EU, nhất là khi Pháp chuẩn bị đảm nhiệm Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 1-2022.
Hai bên nhất trí tích cực triển khai và tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đồng thời thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Tổng thống Macron cho biết Pháp sẵn sàng tăng cường hợp tác phát triển ngành thủy sản bền vững với Việt Nam và cam kết sẽ xem xét thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tổng thống Emmanuel Macron đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không.
Tổng thống Macron nhấn mạnh ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc 1982 (UNCLOS), đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Macron nhất trí ra Tuyên bố chung. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng thống Emmanuel Macron sang thăm Việt Nam. Tổng thống Pháp đã vui vẻ nhận lời.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã làm việc với 11 đại sứ Việt Nam tại các nước châu Âu; gặp gỡ các bác sĩ, chuyên gia y tế Pháp - Việt; gặp đại diện kiều bào tại khu vực châu Âu; dự lễ khai mạc sự kiện Tuần lễ Hàng tiêu dùng Việt Nam tại Pháp. |