Theo thông tư về “cho phép lưu trú đặc biệt” được Bộ Nội vụ Pháp công bố hồi cuối tháng 1, để được hợp thức hóa giấy tờ, người nhập cư bất hợp pháp phải chứng minh sống ở Pháp 7 năm, thay vì 5 năm như trước; có việc làm và chứng chỉ tiếng Pháp theo yêu cầu. Với yêu cầu được đặt ra, chính quyền các địa phương sẽ phải tập trung hợp thức hóa giấy tờ cho lao động nhập cư trong các ngành nghề thiếu nhân lực, trái ngược với việc hợp thức hóa giấy tờ theo diện cá nhân và đoàn tụ gia đình tại Pháp (cho đến nay vẫn được ưu tiên và chiếm đa số).
Thực ra, việc hợp thức hóa giấy tờ cho nhân viên các ngành thiếu lao động đã được quy định trong Luật Di trú ngày 26-1-2024, gồm 3 điều kiện chính: sống tại Pháp 3 năm, có thâm niên 12 tháng làm việc, và làm một trong các nghề thiếu lao động được ghi trong danh sách ban hành theo sắc lệnh.
Ông Felix Guyon, làm việc tại Thot (trường dạy tiếng Pháp cho người tị nạn và người xin tị nạn, vùng Ile-de-France Paris và các vùng phụ cận), nhận định các quy định mới là "cứng rắn". Trong đó, việc đánh giá trình độ tiếng Pháp của người nhập cư thông qua bằng cấp của Pháp hoặc chứng chỉ, thay vì chỉ cần có khả năng giao tiếp cơ bản tiếng Pháp như đang được áp dụng sẽ thực sự là một trở ngại cho những người nước ngoài sống bất hợp pháp tại Pháp, thậm chí kể cả những người sống hợp pháp.
Trong trường hợp không đủ các điều kiện trên, người nước ngoài sẽ bị buộc rời khỏi lãnh thổ Pháp. Thời hạn của lệnh này được kéo dài từ 1 đến 3 năm kể từ Luật Di trú 2024. Thủ phạm những vụ giết người gây phẫn nộ ở Pháp thời gian gần đây đều thuộc diện buộc rời khỏi lãnh thổ Pháp. Thêm vào đó, thực tế ở các khu ổ chuột của di dân bất hợp pháp tại Mayotte, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Ấn Độ Dương, cũng là lý do buộc Chính phủ Pháp thắt chặt kiểm soát nhập cư.