Ông Alessandro Dazza, Tổng Giám đốc của Imerys, khẳng định ước tính trữ lượng của mỏ có thể khai thác lithium hydroxide trong 25 năm. Sản lượng trên có thể phục vụ cho 700.000 xe điện sử dụng pin lithium-ion vào mỗi năm. Tập đoàn Imerys đã phải mất 18 tháng thăm dò, nghiên cứu để xác định được lợi ích kinh tế của khu mỏ. Nhưng giới chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo việc khai thác mỏ lithium không tránh khỏi tích tụ các chất thải, gây ô nhiễm nguồn nước hoặc không khí. Do đó, cần chú trọng đến hoạt động bảo vệ môi trường.
Kế hoạch của Imerys đã được Chính phủ Pháp “bật đèn xanh” và nhận được sự quan tâm của giới chức Liên minh châu Âu (EU), bởi nếu khai thác thành công, đây sẽ là một trong những mỏ khai thác lithium lớn nhất châu Âu. Dự án do Imerys lên kế hoạch hình thành vào thời điểm các nền kinh tế lớn như EU đang tìm cách đẩy mạnh khai thác và tinh chế lithium trước sự bùng nổ của xe điện nhằm chống biến đổi khí hậu. Việc đi lại bằng ô tô thải ra lượng khí chiếm khoảng 12% tổng lượng khí thải carbon của châu Âu. Nếu muốn hoàn thành mục tiêu giảm khí thải đề ra, tỷ lệ sở hữu xe điện của châu Âu có thể tăng từ khoảng 2 triệu chiếc hiện nay lên 40 triệu chiếc vào năm 2030. Do đó, lithium được xem là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại lục địa này.
Trong điều kiện tiêu chuẩn, lithium là kim loại nhẹ nhất và nguyên tố rắn có mật độ thấp nhất. Giống như nikel và cobalt, nó cho phép lưu trữ và vận chuyển điện, trở thành một vật liệu quan trọng trong sản xuất pin ôtô khi nhiều hãng xe hơi dần loại bỏ các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Pin lithinium-ion đang được đánh giá là điểm nút quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là bộ phận quan trọng nhất của ngành sản xuất ô tô điện, thường chiếm từ 70%-80% giá thành xe điện.
Do đó, EU đã tung ra Liên minh pin châu Âu, tài trợ khoảng 3,2 tỷ EUR (3,22 tỷ USD) nhằm đẩy mạnh kế hoạch sản xuất pin lithium-ion. Dự kiến có đến gần 30 nhà máy sản xuất pin lithium-ion sẽ được xây dựng tại châu Âu và đến năm 2025, châu Âu có thể sẽ đáp ứng được tới 75% nhu cầu pin cho xe điện của khối này. Các chuyên gia đánh giá, châu Âu có thể đạt được bước đại nhảy vọt trong lĩnh vực này. Đến năm 2030, thị phần của châu Âu trên thị trường pin điện toàn cầu có thể lên tới 31%, với giá trị khoảng 75 tỷ USD, tức gấp 5 lần hiện nay.
Tuy nhiên, châu Âu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu bên ngoài đối với “vàng trắng”. Thực tế đang được đặt ra là châu Âu không có tên trên bản đồ khi nói về khai thác và tinh chế lithium. Cho đến nay, vẫn chưa có công ty nào ở châu Âu có thể tinh chế lithium tinh khiết để ứng dụng sản xuất pin với số lượng lớn. Trước tình trạng đổ xô tìm nguồn “vàng trắng” phục vụ cho các nhà máy sản xuất pin, châu Âu hy vọng tháo gỡ khó khăn bằng cách đẩy mạnh khai thác dưới lòng đất các mỏ lithium đã được phát hiện ở Áo, Serbia và Phần Lan, Bồ Đào Nha. Pháp là niềm hy vọng lớn nhất của châu Âu về lithium.