Theo đó, cấm KOL quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng, thực hiện các trò gian lận hoặc gian lận trên mạng xã hội. Quy định trong luật điều chỉnh giúp bảo vệ người dùng internet khỏi những thông tin được những người sáng tạo nội dung cố ý chỉnh sửa nhằm tạo siêu lợi nhuận.
Theo dự luật được thông qua, những người có ảnh hưởng có nghĩa vụ gắn nhãn nội dung do các thương hiệu trả tiền khi tạo nội dung để khuyến khích khán giả mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Luật bao gồm quy định việc hợp tác giữa những người có ảnh hưởng và thương hiệu phải được công khai rõ ràng để các hoạt động thương mại trở nên minh bạch hơn. Người vi phạm sẽ phải đối mặt với án tù 2 năm và mức phạt lên tới 300.000 EUR (321.000 USD).
Theo ước tính của Bộ Kinh tế, Tài chính, Chủ quyền công nghiệp và kỹ thuật số của Pháp, có khoảng 150.000 người có ảnh hưởng lớn trong công tác truyền thông của các thương hiệu trên mạng xã hội Pháp. Dự luật được soạn thảo và ban hành trong bối cảnh dư luận Pháp lên tiếng yêu cầu phải có hoạt động chấn chỉnh quảng cáo bị thổi phồng trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng như cần bảo vệ người tiêu dùng. Đó là lý do khiến dự luật được sự hưởng ứng của đông đảo dư luận. Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp vừa và nhỏ, bà Olivia Gregoire, nhận định, quy định sẽ khiến các KOL thực hiện công việc trong khuôn khổ pháp lý và người dùng internet ở Pháp được bảo vệ khỏi nguy cơ bị lạm dụng từ thương mại trực tuyến.
Việc siết chặt quản lý KOL đã được thực hiện tại một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc. Từ năm 2020, Hàn Quốc ban hành lệnh cấm KOL quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên kênh của mình mà không tiết lộ quan hệ với doanh nghiệp tài trợ. Vào giữa năm 2022, Trung Quốc ban hành quy định mới yêu cầu KOL phải có bằng cấp liên quan khi livestream nói về lĩnh vực luật, tài chính, y học và giáo dục. Quy định mới cũng nhấn mạnh các KOL nên kê khai thu nhập của mình một cách trung thực, quảng cáo trung thực và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.