Riêng tại châu Á, bitcoin tăng hơn 5% trong vòng chưa đầy 3 giờ để đạt mức kỷ lục 67.276USD. Đồng tiền này phá kỷ lục về giá diễn ra trong một thời gian ngắn sau khi mất giá 50% giá trị vào tháng 5. Nhiều nhà phân tích dự báo giá bitcoin sẽ sớm vượt qua mốc 100.000USD.
Chỉ trong tháng này, giá bitcoin đã tăng hơn 50%, sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ cho phép thành lập quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) được liên kết với các hợp đồng tương lai tính bằng bitcoin. Quỹ thuộc ProShares, công ty con của Tập đoàn ProFunds có trụ sở tại bang Maryland.
Đây được xem là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp tiền điện tử tại Mỹ. ProShares Bitcoin Strategy ETF bắt đầu giao dịch vào ngày 19-10 trên sàn giao dịch chứng khoán New York và thu về 570 triệu USD tài sản vào ngày đầu tiên, đồng thời có khối lượng giao dịch đáng kinh ngạc lên đến 1 tỷ USD, là một trong những đợt ra mắt ETF thành công nhất mọi thời đại.
Về nguyên nhân làm bitcoin tăng giá nhanh chóng, theo các nhà phân tích, là do tâm lý lo ngại lạm phát. Những tháng gần đây, tình trạng lạm phát trên toàn cầu đang gia tăng do các chính phủ tập trung chi tiêu cho chương trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Cùng với đó là viễn cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và Trung Quốc. Trong hoàn cảnh như vậy, nhà đầu tư có xu hướng tìm cách phòng ngừa tài sản mất giá. Thay vì đổ xô mua vàng như trước đây, ngày càng có nhiều người chuyển sang đầu tư vào bitcoin.
Theo Giáo sư kinh tế Bruce Mizrach tại Trường Nghệ thuật và Khoa học thuộc Đại học Rutgers (Mỹ), hầu hết các nhà đầu tư đều nhận thức được nguy cơ bong bóng của loại tiền này. Đó là điều xảy ra khi giá hàng hóa vượt xa giá trị thực của nó. Nhưng thường người mua tài sản, ngay cả khi biết nguy cơ, cũng vẫn mong đợi giá sẽ còn cao hơn nữa và đều tin rằng có thể thoát ra trước khi bong bóng vỡ.
Nhận thấy rõ nguy cơ bong bóng, nhiều nước đã cấm giao dịch tiền điện tử, mạnh mẽ nhất có lẽ là Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh cấm tất cả các giao dịch tiền điện tử trong nước. Nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương quốc gia đang lo sợ tiền điện tử làm mất ổn định hệ thống tài chính của họ và các hậu quả tiêu cực khác. Họ có lý do để lo lắng.
Bitcoin khuyến khích giao dịch bất hợp pháp trên các trang web đen và giờ đây tạo điều kiện thêm cho các cuộc tấn công mạng đòi tiền chuộc. Rõ ràng, bitcoin không hoạt động tốt như một phương tiện trao đổi trong các giao dịch hàng ngày. Giá trị của nó không ổn định và mạng lưới thanh toán bitcoin không thể xử lý lượng lớn giao dịch một cách nhanh chóng.
Có thể nói, bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác đã trở thành một tài sản kỹ thuật số hoàn toàn mang tính đầu cơ không có giá trị nội tại. Viễn cảnh các hộ gia đình đầu tư nguồn tiết kiệm vào tiền điện tử và bị thua trắng khi bong bóng đầu cơ vỡ, khiến các chính phủ lo lắng. Chính phủ Trung Quốc càng đề phòng hơn vì đã và đang phải đối mặt với những hậu quả của bong bóng đầu cơ trên thị trường bất động sản.
Theo Currency.com, ngoài Trung Quốc, các quốc gia như Bangladesh, Campuchia, Canada, Colombia, Ecuador, Iran, Jordan, Nigeria, Qatar, Nga và lãnh thổ Đài Loan không quy định việc sở hữu tiền điện tử là bất hợp pháp, nhưng có lệnh cấm đối với các ngân hàng tạo điều kiện cho giao dịch bằng tiền điện tử. Ngân hàng Trung ương Indonesia đã ban hành lệnh cấm tiền điện tử làm công cụ thanh toán. Ngân hàng Trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4 cũng đã cấm mọi người sử dụng tiền điện tử hoặc tài sản tiền điện tử để thanh toán hàng hóa và dịch vụ.
Mới đây nhất, ngày 19-10, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định, tiền kỹ thuật số và các nền tảng thanh toán thay thế khác đang tạo điều kiện để “nắm giữ và chuyển tiền bên ngoài hệ thống tài chính truyền thống dựa trên đồng USD”, qua đó xây dựng các hệ thống tài chính và thanh toán mới để che giấu giao dịch xuyên biên giới đi cùng những rủi ro.