Pháp lý tài sản số: Động lực để tăng trưởng kinh tế số

Ngày 6-12, Bộ TT-TT phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Pháp lý Tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số”, nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận, góp ý ở lĩnh vực tài sản số trước khi dự thảo luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS) được hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2025 tới.

Đây là hội thảo lần thứ 10 nhằm góp ý Luật Công nghiệp công nghệ số và hành lang pháp lý tài sản số, tài sản mã hóa do Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của hầu hết các bộ ngành, cơ quan nhà nước có liên quan đến quản lý tài sản số và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Copy of A7405317.JPG
Quang cảnh hội thảo

Tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp, hiện trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý đầy đủ về vấn đề này. Dự thảo luật bước đầu có quy định một số nội dung cơ bản về tài sản số như định nghĩa, tiêu chí xác định, nguyên tắc quản lý và trách nhiệm của các cơ quan. Đây là các quy định mang tính khung, các nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, tiêu chí, nguyên tắc quản lý tài sản số, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Các bộ chuyên ngành tiếp tục hướng dẫn chi tiết trong từng lĩnh vực.

Tại hội thảo, ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT) cho biết, Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số. Qua đó, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này nhằm đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, còn tận dụng để khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0, giải quyết các bài toán phát triển của Việt Nam.

Copy of A7404691.JPG
Ông Lê Nam Trung phát biểu tại hội thảo

“Không giống các loại tài sản truyền thống, tài sản số bao gồm nhiều dạng thức như: Dữ liệu, nội dung số, tiền mã hóa, NFT, hay các phần mềm trí tuệ nhân tạo. Những loại tài sản này không chỉ định hình cách thức doanh nghiệp vận hành, mà còn thay đổi cách nền kinh tế toàn cầu kết nối và tăng trưởng. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai những chính sách pháp lý quan trọng về tài sản số, điều đó cho thấy, Việt Nam cũng rất cần một khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ và tiên tiến là yếu tố quyết định để phát triển tài sản số, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số”, ông Lê Nam Trung chia sẻ thêm.

Còn theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực VBA, chúng ta đã có Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số nên việc luật hóa tài sản số sẽ giúp hoàn thiện bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số. Khi hành lang pháp lý tài sản số được hoàn thiện, dòng vốn 105 tỷ USD đổ về Việt Nam hàng năm có thể sẽ được chuyển một phần vào khu vực hợp pháp, đóng góp tích cực cho nền kinh tế và giảm thiểu nguy cơ về rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo trên không gian mạng.

Copy of A7404912.JPG
Ông Phan Đức Trung chia sẻ về dự thảo luật

Ở góc nhìn của đơn vị soạn thảo, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT-TT) cho biết, Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng theo hướng thúc đẩy hơn là quản lý cứng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số nói chung và tài sản số nói riêng. Tài sản số trên thế giới hiện chủ yếu đang thể hiện dưới dạng tài sản mã hoá, rất đa dạng về hình thức mà pháp luật hiện hành không thể quản lý hết chỉ bằng 1 bộ luật duy nhất. Nếu muốn quản lý hết tất cả các loại hình tài sản này thì chúng ta sẽ phải sửa rất nhiều luật khác như Luật Dân sự, Luật Ngân hàng... Cơ quan quản lý cũng chưa bao giờ có ý định cấm tài sản số mà chỉ cân nhắc hài hoà lợi ích giữa thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền lợi, quản trị rủi ro.

Đối với ngành ngân hàng, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, tài chính - ngân hàng là ngành sẽ chịu tác động đầu tiên khi tài sản số có hiệu lực, từ việc thay đổi những sản phẩm, dịch vụ đã có sẵn, đến việc tạo ra một lớp tài sản hoàn toàn mới đi cùng với những sản phẩm, dịch vụ cũng chưa từng có trước đây. Đi cùng với sự bùng nổ của tài sản số, nhận thức về quản lý tài sản số, thể hiện trong các quy định pháp luật cũng cần phải được nhìn nhận đa chiều, không chỉ ở góc độ thúc đẩy mà còn phải cân nhắc đến việc quản trị rủi ro, đảm bảo các quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục