Pháp lý dịch vụ giữ trẻ

Trung tâm đa dịch vụ
Pháp lý dịch vụ giữ trẻ

Khi các trường mầm non công lập nhận giữ trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi đang thiếu thì dịch vụ trông giữ trẻ tư nhân đã trở thành giải pháp cho các cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên… 

Chăm sóc trẻ tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ

Trung tâm đa dịch vụ

“Bạn có con nhỏ và muốn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con? Bạn quá bận rộn với lịch trình làm việc ở cơ quan? Bạn thực sự mệt mỏi khi đi làm về mà nhà cửa vẫn bề bộn, cơm canh chưa sẵn sàng, con cái chưa ai chăm? Đã bao lâu rồi bạn không có thời gian thư giãn, làm đẹp, tận hưởng cuộc sống?” Đó là những câu mời chào trên một website về dịch vụ trông trẻ. Kèm theo lời cam kết về đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc trẻ cùng giá cả không thể hợp lý hơn nên nhiều phụ huynh có con nhỏ xem đây như một giải pháp khi con mình thiếu người chăm sóc, trong khi cha mẹ phải đi làm. Nhưng không phải lời cam kết nào cũng đúng như thực tế. Chị Kim Hương (ngụ quận 4, TPHCM) cho biết: “Trung tâm đưa đến cho tôi một cô gái trẻ, tôi nhờ người thân quan sát thì thấy vài hôm đầu cô này cũng nhẹ nhàng, chu đáo, dù con tôi khá nghịch. Nhưng sau vài tuần, tôi tình cờ nghe hàng xóm nói dạo này nghe bé khóc nhiều. Ngày hôm sau tôi tranh thủ về nhà vào giờ nghỉ trưa, từ ngoài cửa tôi đã nghe thấy tiếng bé khóc, nhìn vào thấy cô giữ trẻ vẫn bình thản ngồi xem ti vi, tôi chưa kịp lên tiếng thì đã nghe cô này quát lớn khiến con tôi giật nẩy mình”.

Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn các dịch vụ giữ trẻ này đều nằm trong các trung tâm đa dịch vụ, bao gồm cả gia sư, giúp việc nhà... Để luôn đáp ứng được đội ngũ nhân viên đông đảo và giá rẻ, các trung tâm này thường tuyển dụng ồ ạt các đối tượng sinh viên, nội trợ hoặc bất cứ ai rảnh rỗi đang cần việc làm. Nhu cầu tìm người giữ trẻ của các phụ huynh có con nhỏ đã vượt quá nguồn cung.  Tìm một người giúp việc nhà đảm đang đã khó, tìm được một người trông trẻ đáng tin cậy còn khó khăn hơn, bởi lẽ họ phải là người yêu trẻ, kỹ tính và có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ.

Vệ tinh bán trú

Vợ chồng trẻ thường mong con mau đủ tuổi để gửi nhà trẻ. Nhưng ngay cả khi trẻ vào lớp một, phụ huynh lại phải đối mặt với vấn đề khác. Hầu hết các trường mầm non, tiểu học công lập đều trả trẻ trong thời gian 16 - 17 giờ, trong khi giờ tan sở tại nhiều cơ quan từ 17 - 18 giờ, đó là chưa kể thời gian bị kẹt xe khi di chuyển trong giờ tan tầm. Muốn đón con đúng giờ, chị Ái Phương (quận Phú Nhuận) ngày nào cũng phóng xe ào ào mà con chị vẫn nằm trong “tốp cuối” các bé còn lại ở sân trường. Ở những quận huyện có tỷ lệ học sinh tiểu học bán trú thấp như Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình... phụ huynh còn lo không có người đưa đón và quản lý bé vào buổi chiều.

Trẻ đến sinh hoạt tại Trung tâm Ngoại ngữ - tin học - bồi dưỡng văn hóa quận Tân Phú

Hiện nay, dịch vụ đưa đón học sinh, các điểm “vệ tinh bán trú” đang rất phát triển ở những quận vùng ven. Ngoài những “vệ tinh bán trú” của chính các trường tiểu học tổ chức như các trường Lê Văn Tám, Đoàn Thị Điểm (quận Tân Phú)... còn có hàng loạt điểm “vệ tinh bán trú” khác do tư nhân quản lý. Ông Phạm Trọng Ái, Hiệu trưởng Trung tâm Ngoại ngữ - tin học - bồi dưỡng văn hóa Tân Phú (một trong những “vệ tinh bán trú” ở quận Tân Phú), cho biết: “Sau giờ học chính khóa tại trường tiểu học, trung tâm sẽ đón các em về bằng xe buýt, cho các em ăn rồi ngủ trưa. Buổi chiều, các em được học tiếng Anh (hai buổi/tuần), đồng thời giáo viên của trung tâm sẽ giúp các em ôn bài cũ, chuẩn bị bài mới. Hiện trung tâm nhận đưa đón gần 100 học sinh tiểu học trên địa bàn quận Tân Phú”. Chất lượng của các trung tâm này thì chủ yếu do các ông bố, bà mẹ truyền tai nhau. Chị Nguyễn Thị Hoàng (quận Tân Phú) cho biết: “Phụ huynh chúng tôi rủ nhau đăng ký cùng một trung tâm, cho các cháu học cùng nhau để yên tâm phần nào, mình cũng chỉ nghĩ được đến đấy và tin tưởng người ta thôi”.

Nhu cầu gửi con trái buổi, đón và trông giữ trẻ sau giờ tan trường là có thật và đang trở thành nỗi lo của khá nhiều phụ huynh. Trong khi rất ít trường đáp ứng được nhu cầu này thì một số cơ sở tư nhân đã thực hiện. Nhiều cơ sở vệ tinh bán trú đã đề nghị được cấp phép hoạt động nhưng vì chưa có một hành lang pháp lý nào về vấn đề này nên trên thực tế, mỗi địa phương quản lý mỗi kiểu, có quận yêu cầu ngành GD-ĐT cấp phép, có quận giao về cho UBND phường. Còn các trung tâm cung cấp dịch vụ trông trẻ hoạt động dưới hình thức đa dịch vụ thì quảng cáo rầm rộ trên mạng, chủ yếu vẫn phải trông cậy vào sự sáng suốt của các bậc phụ huynh.

Năm học 2015-2016 là năm thứ hai TPHCM thí điểm nhận giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi. Đến nay đã có 12/24 quận, huyện thực hiện với 41 trường mầm non công lập. Tất cả các lớp giữ trẻ trên đều đã nhận đủ chỉ tiêu, trong khi nhu cầu của người gửi con ngày càng nhiều.

PHAN CHIẾU

Tin cùng chuyên mục